Home Bạch Ngọc Kinh

Bạch Ngọc Kinh

Bạch Ngọc Kinh

* Nguồn gốc

– Từ thuở Hỗn Độn sơ khai, từ trong hư vô tịch mịch xuất hiện một khối ánh sáng Đại Linh Quang gọi là Thái Cực. Ánh sáng Thái Cực này lan tỏa, hình thành lưỡng nghi là hai khối Âm Quang cùng Dương Quang. Xung quanh khối Thái Cực chí dương ấy là lớp thanh khí có tính chất gần giống với hư vô vậy, nhẹ nhàng thuần khiết, thanh tịnh vô cùng, đây chính là cõi Đại La Thiên.
– Đại La Thiên này nằm ở tầng Hỗn Nguyên Thiên trong hệ thống Cửu Trùng Thiên. Cõi này có những lằn khí thanh nhẹ kết tụ lại thành các tòa kiến trúc toàn là màu trắng tinh khôi, tạo nên một kinh đô tráng lệ tận thiện, tận mỹ gọi là Bạch Ngọc Kinh.

* Quần thể kiến trúc trong Bạch Ngọc Kinh
Bạch Ngọc Kinh là quần thể kiến trúc thanh tịnh với các tòa công trình tiêu biểu như:
1. Huỳnh Kim Khuyết
2. Ngọc Hư Cung
3. Lôi Âm Cổ Đài
4. Bạch Ngọc Chung Đài
5. Nghênh Phong Đài
6. Linh Tiêu Điện
7. Hiệp Thiên Đài
8. Cửu Trùng Đài
9. Bát Quái Đài

o Huỳnh Kim Khuyết
– Là khu vực cổng trời, với hai hàng Thiên Trụ là hai mươi tám trụ cột tượng trưng cho Nhị Thập Bát Tú, cao chót vót xuyên qua các tầng mây ngũ sắc, dẫn lối vào Ngọc Hư Cung trong Bạch Ngọc Kinh. Những cột trụ này được hình thành bởi vàng ròng và bạch ngọc, với các phù điêu tinh xảo mang hình ảnh long thần, linh thú, liên hoa, ngũ sắc tường vân và mặt trời, mặt trăng, tinh tú. Các cột trụ này có thể di chuyển vị trí, những phù điêu trên cột cũng là những linh thể an định nơi ấy. Thế nên họ có thể di chuyển, thể hiện biểu tình cảm xúc và thay đổi hình ảnh thị hiện bất kỳ lúc nào nếu thích.
– Huỳnh Kim Khuyết này lan tỏa ra xung quanh một lớp minh khí thanh nhẹ, tịnh yên vô cùng. Lằn minh khí ấy chính là pháp giới bao quanh Bạch Ngọc Kinh, chỉ những chơn hồn có khí chất thanh tịnh an nhiên vô cùng mới có thể tự do xuất nhập tùy ý.
– Những chơn hồn có công phu tu tập nhất định, tuy chưa đạt quả vị Thánh Hồn để có thể xuất nhập vào cõi này an trú, nhưng được sự trợ duyên để giúp chơn hồn ấy có được một lớp màn thanh tịnh khí bao quanh mình. Nhờ vậy chơn hồn ấy có thể du nhập qua cổng Huỳnh Kim Khuyết
– Có những chơn hồn chưa đủ lực thanh tịnh, còn đầy dẫy những hỗn loạn, chấp niệm tham sân si ám muội cả thần thức, vô minh che lấp Thiên Tánh mà muốn được nhập vào cõi giới thanh tịnh này. Họ sử dụng các Pháp huyền công để xâm nhập vào nơi thuần khiết này thì chính lực thanh tịnh của cõi này sẽ làm tịnh hóa khí chất trọng trược của họ. Lúc ấy họ sẽ cảm thấy đau đớn khổ sở vô cùng trong quá trình được thanh tẩy, từ đó họ sẽ có ba xu hướng.
— Cố gắng chịu đựng đau đớn, đối diện với những khổ não, tội lỗi, những nghiệp bất thiện trong hành tàng tồn tại từ nhiều đời nhiều kiếp mình đã từng gây nên. Tự mình thức tỉnh, sám hối nghiệp duyên của mình, hồi hướng về điều thiện lương, quyết tâm buông xả các chấp niệm bất thiện đầy đau khổ. Lúc ấy, chơn hồn đó sau một khoảng thời gian được tịnh hóa, sẽ trở nên thanh nhẹ, trong sạch, rũ bỏ được các phiền não thế tục tình trường, đoạn tuyệt sự khổ bởi chấp niệm. Bấy giờ, họ có thể thật sự nhập vào Bạch Ngọc Kinh, chuyển hóa nhân duyên nghiệp quả của mình, tìm cách trả nợ những nghiệp bất thiện từng gây bằng cách lập thệ nguyện phụng sự chúng sinh, đem lại lợi lạc, hạnh phúc an vui cho vạn linh khắp Tam Giới.
— Khi họ phải đối diện các sự khổ trong lúc được tịnh hóa thì họ không dám chấp nhận nó, tìm cách chối bỏ nó, không quán chiếu được nhân duyên nghiệp quả của mình. Lúc bấy giờ họ không chịu nổi các đau đớn khổ não dày vò tâm thức của mình, tự nhiên sẽ xuất ngoại khỏi pháp giới thanh tịnh của lằn minh khí nơi Bạch Ngọc Kinh, trở về với đúng nơi phù hợp với họ.
— Khi họ đối diện các sự khổ trong lúc được tịnh hóa, trong lòng họ khởi sinh những ý niệm bất thiện vô cùng tiêu cực. Tâm ý họ phát ra những chấp niệm oán hận, báo thù các nhân duyên từng gây đau khổ cho mình thì từ họ bộc phát sát khí, oán khí nặng nề. Các trược khí này biến chơn hồn ấy thành vật chất hấp dẫn linh quang lôi điện tập trung vào họ. Nếu may mắn thì họ có thể rời khỏi lớp minh khí thanh tịnh này, nếu lỡ không may, không rời đi kịp, bị quá nhiều luồng lôi điện đánh trúng thì tiêu tán hồn phách. Các mảnh vỡ của chơn hồn ấy do quá trọng trược nặng nề nên sẽ chịu tác động của lực hấp dẫn ở các cõi Hạ Giới hữu hình. Sau khi rơi vào các cõi Hạ Giới, những mảnh hồn nhỏ li ti này chuyển sinh thành các dạng tồn tại đơn giản như là hạt bụi, sỏi đá, vật chất kim loại… Trải qua trăm muôn ngàn kiếp sinh tồn, hoại diệt, các mảnh hồn ấy dần tinh tấn chuyển sinh và kết hợp lại với nhau thành các sự tồn tại phức hợp hơn như cỏ cây hoa lá, chim muông cầm thú, rồi tới con người. Một quãng đường dài như thế, có thể giúp chơn hồn ấy thực sự tỉnh ngộ, thấu hiểu sự khổ, nỗi đau của chúng sinh từ đó mà trân quý bản thân lẫn muôn sinh trong Tam Giới. Họ sẽ có ngày về lại với cội Đạo nơi Bạch Ngọc Kinh vậy.

o Ngọc Hư Cung
– Là cung điện được kết tụ bởi khí chất thanh khiết, trắng ngà như bạch ngọc. Cả Ngọc Hư Cung cũng là một linh thể sống động, các phù điêu hình ảnh trên tường đều có thể biến hóa hư ảo, vi diệu vô cùng.
Xung quanh các cánh cửa dẫn vào Ngọc Hư Cung có chư vị linh thú làm hộ pháp, đa phần là và Kim Mao Hẩu và Tứ Linh.
– Hai bên tả hữu của Ngọc Hư Cung có hai đài rất cao, tỏa ra khí chất đặc trưng mang hai tính Âm Dương rõ rệt là Lôi Âm Cổ Đài và Bạch Ngọc Chung Đài.

O Lôi Âm Cổ Đài
– Lôi Âm Cổ Đài là một cái đài rất cao như một tòa tháp, có hình ảnh thái dương soi sáng vô minh, tượng trưng cho khối khí Dương Quang.
– Ở đài này có một cái trống thật to được kết tinh bởi ngũ sắc tường vân gọi là Lôi Âm Cổ. Mỗi khi các đám mây lành ngũ sắc này di chuyển, tương tác với nhau trên bề mặt trống thì trống này cất tiếng vang là tiếng sấm nổ giữa thiên không, lan tỏa khắp Tam Giới. Pháp âm ấy đặc biệt có tác động mạnh mẽ đến U Minh Giới, giúp cho các chơn hồn vô minh mang nhiều chấp niệm đau khổ, tội lỗi và bi thương hễ nghe thấy tiếng trống thì thần thức được tác động một lực giúp họ tỉnh thức, họ sẽ dần dần tịnh lặng, an định.
– Tiếng trống Lôi Âm cũng được gióng lên trong các dịp lễ để nhắc nhở, triệu tập chư linh khắp nơi quy tụ về Bạch Ngọc Kinh.
– Mỗi khi có một chơn hồn chuyển sinh thành anh linh, thường là khi anh linh ấy đạt quả vị tương đương Cửu Phẩm Thần Tiên thì hồi trống Lôi Âm sẽ được cất lên. Mỗi cấp bậc sẽ ứng với số hồi chuông trống hiệu khác nhau thông báo khắp Tam Giới.

o Bạch Ngọc Chung Đài
– Bạch Ngọc Chung Đài là một đài rất cao tương đương với Lôi Âm Cổ Đài, có hình ảnh nguyệt quang dịu dàng soi sáng bầu trời đêm, tượng trưng cho khối khí Âm Quang.
– Ở đài này có một cái đại hồng chung thật to được làm từ bạch ngọc. Mỗi khi tiếng chuông ngân vang liền làm cho khắp nơi trong Tam Giới được thanh tịnh, nhất là các chơn hồn đầy đau khổ, hỗn loạn nơi các cõi giới thuộc U Minh Giới.
– Cả hai đài trống chuông có tác dụng giúp Tam Giới thanh tịnh, tịnh hóa các chơn hồn đang trong trạng thái hỗn loạn, đau khổ với chấp niệm của họ. Thế nên ở hai đài này luôn có chư vị gìn giữ trách nhiệm gióng chuông, trống.

o Nghênh Phong Đài
Phía trước Ngọc Hư Cung có một khoảng sân rộng gọi là Nghênh Phong Đài. Nơi này có chư vị Hỉ Lạc Thiên thường tấu các giai điệu du dương đón tiếp chư anh linh từ các cõi giới khác du nhập về Bạch Ngọc Kinh. Chư linh tập trung tại khoảng sân này chờ đến thời khắc làm lễ bái kiến Đức Chí Tôn Huyền Khung Cao Thượng Đế (Đức Đại La Thiên Đế – Đức Đại Từ Phụ của muôn linh) ở Linh Tiêu Điện bên trong Ngọc Hư Cung.

o Linh Tiêu Điện
– Linh Tiêu Điện là chánh điện của Ngọc Hư Cung. Là nơi chư anh linh bái kiến Đức Chí Tôn, hội họp định kỳ thường niên để đưa ra các điều quy của Thiên Điều, thiết lập và gìn giữ trật tự Tam Giới vận hành theo khuôn luật của bác ái và công bình.
– Linh Tiêu Điện cũng là nơi tổ chức các giảng đường thuyết pháp về các luật lệ vận hành trong Tam Giới cho chư anh linh mới du nhập vào Thượng Giới tham dự. Linh Tiêu Điện cũng là nơi tuyên đọc các sắc phong cho những anh linh đạt quả vị trong Cửu Phẩm Thần Tiên.

o Hiệp Thiên Đài
– Khi bước vào Linh Tiêu Điện bên trong Ngọc Hư Cung sẽ gặp một khoảng không gian rộng lớn tên gọi Hiệp Thiên Đài. Nơi này có chư vị Liên Thần thực hiện công tác chuyển giao, truyền tống các ấn lệnh được ban hành đến khắp nơi trong Tam Giới. Chư vị ấy cũng nhận lại các tấu, chương, biểu, nghị thể hiện tâm tư nguyện vọng của muôn sinh, vạn loại từ khắp nơi trong Tam Giới gởi về cội Đạo.
– Thường gặp nhất là các lời khấn nguyện cầu cho hòa bình thế giới, nguyện cầu hóa giải tai ương chướng ngại khổ ách, nguyện cầu chuyển duyên giải nghiệp và hóa độ các chơn hồn mang đầy chấp niệm đau khổ, tội lỗi ở các cõi U Minh.

o Cửu Trùng Đài
– Cửu Trùng Đài là một con đường dài đi từ Hiệp Thiên Đài đến Bát Quái Đài trong Linh Tiêu Điện. Con đường này có chín tầng cấp bậc, ứng với Cửu Phẩm Thần Tiên. Chư anh linh đạt phẩm chánh vị trong Cửu Phẩm Thần Tiên sẽ sắp xếp trật tự từ Đệ Nhất Phẩm ở bậc thấp nhất từ ngay cạnh Hiệp Thiên Đài tiến dần lên từng bậc cho đến bậc cao nhất là Đệ Cửu Phẩm ngay cạnh Bát Quái Đài.

o Bát Quái Đài
– Bát Quái Đài là một sảnh có đồ hình Bát Quái phát ra ánh sáng vi diệu ở tám hướng, có tám cột trụ bằng ngọc và vàng ròng. Các trụ này cũng to lớn cao chót vót xuyên qua các tầng mây ngũ sắc, có phù điêu long thần và hoa sen tinh xảo như các cột trụ ở Huỳnh Kim Khuyết dẫn lối vào Ngọc Hư Cung này. Tám cột trụ này hiệp với hai mươi tám cột trụ từ ngoài Huỳnh Kim Khuyết dẫn vào tổng cộng là ba mươi sáu cột, tượng trưng cho sư kết nối của Tam Thập Lục Thiên với cội Đạo nơi này.
– Ở giữa Bát Quái ấy có khối ánh sáng Thái Cực, chính là nơi ngự của Đức Đại La Thiên Đế Thái Cực Thánh Hoàng hay còn được biết đến với tôn danh là Đại Từ Phụ.
– Nơi khối ánh sáng Thái Cực ấy, có hình tượng Thiên Nhãn tượng trưng cho minh triết sáng soi giữa thiên không, xung quanh có sáu vị Long Thần làm hộ pháp.
– Ánh đạo quang từ Thiên Nhãn phát xuất xuyên thấu qua các làn mây ngũ sắc, lan tỏa làn sinh khí ấm áp dịu dàng. Năng lượng thuần khiết ấy có mãnh lực vô hình thu hút vạn linh khắp Tam Giới hồi hướng về khối ánh sáng Thái Cực, là cội Đạo, nguồn gốc sản sinh nên vạn loại vạn linh vậy.

Nguồn: Tam Giới Toàn Thư

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *