Home Bát Đẳng Chân Hồn – Ý nghĩa sinh tồn của vạn vật

Bát Đẳng Chân Hồn – Ý nghĩa sinh tồn của vạn vật

Bát Đẳng Chân Hồn – Ý nghĩa sinh tồn của vạn vật

Sống là gì? Chết là gì?

Đại văn hào Shakespeare đã từng nói: To be or not to be – Tồn tại hay không tồn tại.
Vậy ta có thể nói rằng sống chính là sự tồn tại có ý nghĩa. Sự tồn tại mà không còn có ý nghĩa tức là không sống, có thể xem như là đã chết. Như thế, tất cả vạn vật trong vũ trụ này, đã có sự tồn tại tức là có sự sống, chỉ có điều hình thức sống của mỗi sự vật, sự việc thì khác nhau. Nên ý nghĩa của sự tồn tại, của sự sống vạn vật cũng khác nhau.
Đã có sống ắt có chết, có sinh ắt có diệt. Nên sự chết chính là sự tồn tại không có ý nghĩa hoặc là không tồn tại, điều này có nghĩa từ cái Hữu trở về với cái Vô, mà trở về cái Vô để rồi lại nảy sinh ra cái Hữu, đó là điều kỳ diệu của vũ trụ.
Như thế thì chết không phải là kết thúc mà chết chính là để bắt đầu một cuộc sống mới. Đó chính là vòng xoay của Luân Hồi quả báo hay còn gọi là Luật Nhân Quả.

* Ý nghĩa của cuộc sống

Đã sinh ra, tồn tại thì mỗi vật chất đều có một ý nghĩa sinh tồn riêng của nó. Ý nghĩa này sẽ thay đổi theo sự phát triển của từng phẩm vị linh hồn.

1. Vật Chất Hồn

Vật chất được sinh ra là để phục vụ cho cuộc sống của vạn vật, là dạng sống cơ bản nhất của vũ trụ. Sự hy sinh này vô cùng cao cả bởi lẽ chúng hoàn toàn chịu sự chi phối của vạn vật. Dạng vật chất cơ bản nhất chính là hai khí Âm Quang và Dương Quang, mà khoa học gọi đó là điện tích dương và điện tích âm. Tất cả vạn vật đều được cấu tạo từ hai chất trên.
Kế tiếp thì thực vật có thể hấp thu trực tiếp các chất dinh dưỡng từ bên ngoài môi trường sống để sinh tồn. Đó là ánh sáng, khí oxy, nước và các chất dinh dưỡng khác từ đất. Rồi thực vật lại nuôi dưỡng động vật.
Vật Chất Hồn chính là nguồn năng lượng sống của toàn cõi vũ trụ, dù cho trực tiếp hay gián tiếp, vạn vật đều phải nhờ có vật chất mới có thể tồn tại được bởi vì ngay bản thân vạn vật đã là một hợp thể của muôn vạn vật chất li ti, là hai nguồn năng lượng Âm Dương
Vậy một lần nữa ta phải nhìn nhận rằng nhờ vào sự hy sinh của Vật Chất Hồn mới có được mọi sự sống trong cả toàn cõi vũ trụ này.
Sự hy sinh ấy phải đáng được chúng ta trân trọng chứ không phải để ta chà đạp, xem chúng là những thứ vô tri vô giác, sinh ra để phải phục vụ cho chúng ta và chúng ta có quyền đối xử với chúng như thế nào cũng được.

2. Thảo Mộc Hồn

Từ Vật Chất Hồn tiến lên một bậc trong nấc thang tiến hóa đó là Thảo Mộc Hồn. Đến đây thì ta mới thấy được rõ rệt cái sự sống hiện hữu nơi phẩm bậc này.
Như thế, ý nghĩa đầu tiên của sự tồn tại của Thảo Mộc Hồn là học hỏi về sự sinh tồn trong thiên nhiên. Bên cạnh sự phát triển của Thảo Mộc Hồn lại xuất hiện một hình thức sống mới là động vật, đó là Cầm Thú Hồn. Thảo mộc có thể hấp thu chất dinh dưỡng trực tiếp từ môi trường như là ánh sáng, không khí và nước. Nhưng còn cầm thú không thể hấp thu trực tiếp các nguồn năng lượng từ thiên nhiên như thảo mộc nên chúng phải hấp thu một cách gián tiếp thông qua thảo mộc. Cầm thú dùng thảo mộc, nước và không khí làm thức ăn để sinh tồn.
Ý nghĩa thứ hai trong sự sinh tồn của thảo mộc là làm lương thực, hy sinh mạng sống của mình để nuôi dưỡng các loài động vật. Các loài thảo mộc cũng phải thụ tinh, ra hoa, kết trái thì mới có thể sinh tồn và phát triển được. Mà hình thức thụ tinh, kết hợp giữa giống đực và cái của thảo mộc còn đơn giản, thường thì trên mỗi loài cây đã có đầy đủ hoa đực và hoa cái để có thể giúp chúng thụ tinh dễ dàng.
Ý nghĩa thứ ba trong sự tồn tại của chúng là sự duy trì nòi giống. Nhưng ở đây chỉ mới là hình thức thụ động, phấn hoa muốn đến được nhụy hoa thì phải nhờ vào các điều kiện khách quan từ thế giới tự nhiên như gió và các loài động vật khác. Có một số loài cây, các hạt của chúng muốn phát tán để phát triển thì phải nhờ vào các loài động vật, động vật ăn các quả của cây này nhưng hạt của cây thì không bị tiêu hóa và sẽ được phát tán ra xung quanh theo hệ bài tiết của động vật.
Vậy là sự hy sinh của thực vật cũng đã được động vật đáp trả lại bằng việc giúp chúng phát triển khu vực sinh tồn trong thế giới tự nhiên.

3. Cầm Thú Hồn

Các loài động vật xuất hiện ban đầu chỉ có một hình thức là động vật ăn thực vật. Nhưng trong quá trình sinh sống và phát triển thì có những khu vực mà nơi đó các loài động vật phát triển quá nhanh, làm cho số lượng thực vật giảm đi, để cho cân bằng sinh thái thì các loài động vật ăn thịt xuất hiện. Loài ăn thịt xuất hiện để làm cho các loài ăn cỏ giảm xuống thì các loài thực vật mới có thể tồn tại và phát triển được.
Giữa hai dạng động vật ăn cỏ và ăn thịt đều có một điểm chung, đó là muốn tồn tại phải duy trì nòi giống thông qua hình thức kết đôi giữa giống đực và giống cái. Vậy ý nghĩa đầu tiên trong cuộc sống của động vật là học hỏi cái tình thương đồng loại, chúng phải biết thương yêu nhau mới có thể cùng nhau duy trì nòi giống và phát triển.
Kế tiếp là vai trò rất quan trọng trong việc cân bằng sinh thái.
– Đối với loài ăn cỏ: Không cho thực vật phát triển quá nhiều, làm thức ăn cho loài ăn thịt bởi vì loài ăn thịt không thể ăn cỏ.
– Đối với loài ăn thịt: Không cho các loài ăn cỏ phát triển quá nhiều gây nguy hiểm đến sự tồn tại của thực vật.
Như vậy, trong tự nhiên đã hình thành nên những mắc xích quan trọng trong quá trình phát triển của sự sống cho đến khi loài người xuất hiện.

4. Nhân Hồn

Từ loài vượn người, chúng đã phát triển lên hình thái loài người hiện nay. Lúc ấy thì có hai dạng người là Nguyên Nhân và Hóa Nhân.
– Nguyên Nhân mang hình ảnh con người từ khi được Đức Từ Phụ và Đức Từ Mẫu tạo ra. Có được ánh sáng Thiên Tánh là lương tâm, trí tuệ và tám món báu đó là Hiếu, Để, Lễ, Nghĩa, Trung, Tín, Liêm, Sỉ.
– Hóa Nhân mang hình ảnh con người nhờ vào sự tiến hóa từ loài vượn người mà thành. Hóa Nhân còn bị bức màn vô minh che phủ ánh sáng Thiên Tánh của Đạo từ khi bắt đầu là sự sống ở dạng căn bản nhất là Vật Chất Hồn.
Lúc này, ý nghĩa tồn tại của Nhân Hồn có hai dạng:
– Đối với Nguyên Nhân:
+ Có trách nhiệm thay thế Đức Từ Phụ và Đức Từ Mẫu thực hiện tình thương yêu và công bình với chúng sinh.
+ Dạy dỗ cho những người anh em của mình những điều hay lẽ phải để cùng nhau tiến hóa lên những nấc thang cao hơn của linh hồn mà cùng trở về Cha Mẹ thiêng liêng.
+ Gìn giữ tám món báu mà Phật Mẫu đã ban cho nhờ vào ánh sáng Thiên Tánh và trí huệ mà Đức Thượng Đế đã chiết ra từ khối Đại Linh Quang của Người.
– Đối với Hóa Nhân:
+ Học hỏi những điều hay, lẽ phải của các Nguyên Nhân dạy dỗ, mà quan trọng nhất đó chính là tình thương và công bình đối với những người anh em kém phát triển của loài người là cầm thú, thảo mộc và vật chất.
+ Học hỏi, rèn luyện sao cho trí não tinh thần phát triển để có thể dần dần phá được bức màn vô minh mà Minh Tâm Kiến Tánh, tự ý thức được những hành vi đạo đức mà cư xử cho hợp lẽ Đạo đối với cuộc sống.
+ Đối với Hóa Nhân thì ý nghĩa này nó bao gồm học hỏi, rèn luyện và thực hành sao cho giống với Nguyên Nhân, tức là thu thập cho được tám món báu là Hiếu, Để, Lễ, Nghĩa, Liêm, Sĩ, Trung, Tín và Trí, Nhân là hai món thuộc về ánh sáng của Thiên Tánh khi đã phá được bức màn vô minh (Trí là sự sáng suốt để giữ Công Bình, Nhân là tình yêu thương vô tận). Đó là cảnh giới của sự trọn lành, Chân Thiện Mỹ mà Hóa Nhân cần phải học.

Đó là những ý nghĩa tồn tại của loài người khi loài người mới xuất hiện trong vũ trụ.
Thế nhưng sau một thời gian, với trí não phát triển nhưng lại bị những dục vọng thấp kém chi phối làm che mất ánh sáng Thiên Tánh mà Đức Thượng Đế đã ban cho, cả Hóa Nhân lẫn Nguyên Nhân đều phạm nhiều tội lỗi, gây ra những ác nghiệp trong cuộc sống. Vì thế loài người phải chịu trong vòng luân hồi của sự đau khổ. Khi ấy xuất hiện dạng thứ ba của loài người: Quỷ Hồn.
– Quỷ Hồn là Nguyên Nhân và Hóa Nhân sau khi đã gây nên nhiều ác nghiệp trong kiếp sinh, phải chịu đọa đày linh hồn sau khi chết, bị đọa vào quỷ vị, không thể trở về cùng Đức Thượng Đế. Sau khi đã bị đọa đày, dằn vặt khổ sở về những hành động tội lỗi mà mình đã gây ra trong kiếp sinh, được dạy dỗ để biết ăn năn hối cải, được đầu kiếp trở lại làm người để trả nợ những gì mình đã gây ra đối với cuộc sống.
– Ý nghĩa tồn tại của Quỷ Hồn:
+ Là sự trả quả những ác nghiệp đã gây ra từ kiếp trước. Phải biết ăn năn hối cải, không làm những việc xấu nữa. Phải học hỏi, rèn luyện và thực hành những điều hay lẽ phải để trở nên Chân Thiện Mỹ.

Chung quy tất cả ý nghĩa sự tồn tại của loài người là học hỏi, rèn luyện, thực hành những điều hay lẽ phải sao cho những hành động của mình đối với cuộc sống phù hợp với lẽ Đạo. Từ đó tâm tánh trở nên Chân Thiện Mỹ, trở về với bổn tánh trọn lành, trong sạch mà Đức Thượng Đế đã ban cho loài người giống hệt như hình ảnh Thiên Lương của Đức Thượng Đế.

5. Thần Hồn và Thánh Hồn

Từ Nhân Hồn mà biết làm lành lánh dữ, học hỏi cho trí thức tinh thần phát triển và làm những việc hợp lẽ Đạo đối với cuộc sống thì sẽ đạt được phẩm Thần Hồn hay Thánh Hồn tùy theo công nghiệp nhiều hay ít.
Thần Hồn và Thánh Hồn lo điều đình những việc xảy ra trong vũ trụ.
Nhiệm vụ của Thần vị và Thánh vị là giúp đỡ, hộ trì cho loài người và các phẩm thấp hơn trước thế lực cường quyền của tà quái, của lực lượng đối kháng cùng Thượng Giới.

6. Tiên Hồn

Thần Hồn và Thánh Hồn khi lập công bồi đức, tạo được nhiều thiện nghiệp, học hỏi thêm nhiều điều về trí thức tinh thần, phá được thêm phần nào lớp màn vô minh, hoàn thành được sứ mạng của mình, dẫn dắt được con người hướng về cửa Đạo. Khi ấy thì phẩm vị sẽ được thăng lên phẩm Tiên Hồn.
Bên cạnh đó, có những bậc tu hành đắc Đạo, vẫn còn mang thể xác phàm, nhưng chân hồn đã lên đến phẩm Tiên Hồn được gọi là Tiên Nhân. Lên đến phẩm Tiên Hồn là đã vào hàng trọn lành, lo về việc đào luyện về trí thức tinh thần, đạo đức cho các phẩm thấp hơn.

7. Phật Hồn

Tiên Hồn sau khi lập công bồi đức, tạo nhiều thiện nghiệp, hoàn thành sứ mạng của mình, chịu nhiều khổ hạnh, phát triển trí não tinh thần đến cảnh giới cao siêu, phá tan hoàn toàn bức màn vô minh che lấp Thiên Tánh. Đó là Minh Tâm Kiến Tánh, Tâm và Tánh trở về với sự trọn lành, trong sạch có nguồn gốc từ Đạo. Khi ấy thì Tiên Hồn sẽ đạt lên phẩm Phật Hồn, tức là hòa với Đạo.
Phẩm Phật Hồn thì có trách nhiệm giáo hóa chúng sinh theo con đường đạo đức để thoát khỏi luân hồi nơi khổ hải và trở về với Đạo.
Đến phẩm Phật Hồn rồi còn phải tiếp tục tu thêm nữa, lập công bồi đức mãi để dần dần tiến lên gần với Đức Thượng Đế hơn. Để có thể phát triển theo con đường phẩm vị thiêng liêng này thì từ một phẩm thấp nhất là Vật Chất Hồn phải trải qua hàng trăm muôn triệu kiếp mới có thể đạt đến phẩm Phật Hồn.

* Ý nghĩa của sự chết

Chết không phải là kết thúc tất cả. Chết là để bắt đầu một cuộc sống mới.
Tại sao ta lại nói như vậy, khi không có gì chứng minh cụ thể về luật nhân quả, luân hồi?
Thật ra, điều này đã hiển nhiên ngay trước mắt chúng ta. Sự chết của một vật chính là để bắt đầu một cuộc sống mới của những vật khác có liên quan đến nó.

Ví dụ:
Trong thế giới tự nhiên, khi một con vật bị chết, xác của nó sẽ thối rữa, từ trong sự thối rữa ấy, hàng muôn vạn loài vi khuẩn được sinh ra, phân hủy cái xác ấy và biến các chất hữu cơ từ cái xác ấy thành nguồn phân bón cho đất.
Đất lại nuôi dưỡng cây cối, cây cối lại nuôi dưỡng loài ăn cỏ, loài ăn cỏ lại trở thành thức ăn của loài ăn thịt, khi loài ăn thịt chết lại biến thành chất dinh dưỡng cho đất.
Như thế, sự chết của một vật rõ ràng là sự khởi đầu của các sự sống khác có liên quan đến nó.

Còn loài người thì sao?
Ở đây ta xét khía cạnh hữu hình trước tiên.

▪ Về phương diện hữu hình

Trong gia đình nọ, khi có một người chết, tất cả thành viên, những người thân trong gia đình đều rất đau buồn. Điều này có sự tác động, ảnh hưởng đến những sinh hoạt của gia đình ấy. Như thế, một cuộc sống mới đã bắt đầu đối với những người sống có mối quan hệ với người đã chết.
Có những cái chết làm cho những người xung quanh phải nuối tiếc, buồn bã. Nhưng cũng có những cái chết làm cho người xung quanh mừng rỡ vì sự ra đi của người ấy, không chút nuối tiếc.
Tất cả cũng do những hành động mà họ đã làm trong kiếp sinh của họ. Nếu làm cho mọi người xung quanh yêu mến, sự ra đi của họ sẽ làm cho mọi người phải thương tiếc. Nếu họ làm cho mọi người xung quanh ghét bỏ, gây nhiều tội lỗi trong cuộc sống đến nỗi sự tồn tại của họ là cái gai trong mắt những người xung quanh. Khi ấy, sự ra đi của họ làm mọi người thích thú, không có gì phải luyến tiếc.
Từ xưa đến nay, những vị anh hùng chiến đấu xả thân vì đất nước, những bậc trí thức tinh thần có những đóng góp giúp cho xã hội phát triển, hay những người đã sống hết mình vì những người xung quanh. Những vị ấy, khi chết đi đều được mọi người thương nhớ, nhớ về những điều tốt đẹp mà họ đã làm trong cuộc sống.
Như vậy, chính họ cũng vẫn còn sống trong tâm trí những người đang sống, vậy cái chết của họ đâu phải là một sự kết thúc, tấm gương của họ vẫn còn lưu truyền cho đến ngày nay.
Còn những người làm những tội ác đối với xã hội, gây nên chiến tranh chết chóc… khi chết vẫn thường được mọi người nhắc đến về sự tàn bạo, không có tình người của họ. Cái chết của họ cũng không phải là sự kết thúc mà tiếng xấu của họ vẫn còn lưu truyền mãi, họ phải luôn chịu ô nhục về những hành động mình đã làm đối với xã hội trong kiếp sinh của mình.
Thế mới có câu:
“Trăm năm bia đá cũng mòn,
Ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ.”
Trên phương diện hữu hình, ta đã thấy rõ rằng: chết không phải là kết thúc tất cả. Chết chính là khởi đầu cho một sự tồn tại mới. Để sự tồn tại của ta có ý nghĩa tích cực cả trong hiện tại lẫn khi ta đã thay đổi sang hình thức tồn tại mới, ta phải sống sao cho mọi người xung quanh yêu qúy mình, đối xử với cuộc sống sao cho hợp lẽ Đạo.

▪ Về phương diện vô hình

Đối với những người có đóng góp cho cuộc sống, dám hy sinh thân mình để làm nên những việc vĩ đại cho xã hội, có đạo đức tốt. Chết đối với những vị ấy là một ân huệ thiêng liêng, dứt bỏ được mọi sự phiền não nơi cõi trần gian giả tạm này. Họ đã làm xong sứ mạng của mình, và ngày họ trở về cõi thiêng liêng thật là vinh hiển.
Đối với những người không làm nên điều gì giúp ích cho xã hội nhiều thì khi chết, họ sẽ được chiếc cân Công Bình thiêng liêng cân những thiện nghiệp và ác nghiệp mà họ đã làm trong kiếp sinh của mình.
– Nếu cân Công Bình nghiêng về phía thiện nghiệp nhiều hơn, họ sẽ được phong phẩm Thần vị hoặc là đầu kiếp trở lại làm người để hưởng phước đức do thiện nghiệp ấy.
– Nếu cân Công Bình nghiêng về phía ác nghiệp nhiều hơn tức là Thiên Tánh đã bị vô minh che lấp quá nhiều, họ sẽ được đưa đến Cõi Âm Quang để sám hối, suy nghĩ về những tội lỗi mình đã làm, được dạy dỗ về Đạo lý. Sau khi kết thúc quá trình sám hối, họ được đầu kiếp để trả nợ những ác nghiệp mình gây ra, học hỏi thêm nhiều điều khác cho trí thức tinh thần phát triển và rèn luyện đạo đức để những hành động của họ trong cuộc sống sẽ làm nên nhiều thiện nghiệp hơn mà thoát khỏi luân hồi nơi khổ hải này.
“Chết là để bắt đầu cuộc sống mới” tương ứng với định luật bảo toàn năng lượng: “Năng lượng không tự sinh ra mà cũng không tự mất đi, nó chỉ chuyển từ dạng này sang dạng khác”.
Cuộc sống là món quà vĩ đại mà Đức Thượng Đế ban tặng cho chúng ta. Dù sự thiện lành hay ác trược đều là những món quà có giá trị nếu ta biết được ý nghĩa của nó và tiếp nhận nó một cách vui vẻ thì ta mới trưởng thành. Cái chết chính là một món quà cuối cùng ý nghĩa nhất dành cho ta trong cuộc sống này để chuẩn bị bước vào một cuộc sống khác, tiếp nhận những món quà khác từ Đức Thượng Đế.

Nguồn: Tam Giới Toàn Thư

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *