Home Bát Nhã Từ Hàng – Thuyền Từ Bát Nhã

Bát Nhã Từ Hàng – Thuyền Từ Bát Nhã

Bát Nhã Từ Hàng – Thuyền Từ Bát Nhã

* Nguồn gốc

– Bát Nhã Từ Hàng hay còn được biết đến với tên gọi gần gũi là Thuyền Bát Nhã, Từ Hàng, Thuyền Từ, Thuyền Trí Huệ, Bát Nhã Thuyền Từ.
– Bát Nhã Từ Hàng là con thuyền được kết thành bởi trí tuệ minh triết của bậc giác ngộ đã diệt trừ được vô minh phiền não, giúp hóa độ nhân duyên chúng sinh từ sông mê khổ hải đến Bỉ Ngạn, Giác Ngạn, bến bờ an lạc của Cội Đạo.
– Bát Nhã Từ Hàng là một phương tiện vận chuyển trong Tam Giới, được xếp chung vào nhóm Tiên Xa nơi Thượng Giới.

– Những chiếc Thuyền Bát Nhã đầu tiên xuất hiện trong Tam Giới chính là do Đức Diêu Trì Kim Mẫu và Đức Thái Thượng Đạo Quân tạo tác. Đó là lúc các Đấng ấy truyền Đạo cho chúng sinh hiểu được lẽ Đạo tự nhiên, huyền vi mầu nhiệm vận hành Thiên Địa Càn Khôn Vũ Trụ. Nhờ vào giáo pháp, chúng sinh được soi sáng tâm trí, khai mở trí tuệ, diệt trừ được vô minh phiền não, giác ngộ con đường chân lý mà hồi hướng tu tâm dưỡng tánh, trở về với Cội Đạo. Những bậc tu hành giác ngộ minh triết, hành thiện nghiệp, buông xả hết phiền não thì tự nhiên khi kết thúc thân mạng liền có Thuyền Bát Nhã xuất hiện đón rước vượt qua khỏi cõi Trung Giới mà nhập về Thượng Giới, hướng về Cội Đạo.

* Hình dạng và tính chất đặc trưng

– Thuyền Bát Nhã có hình dạng như cánh sen, trên thuyền có một khoang ngồi có mái che trên và hai bên mạn thuyền. Phần mái được làm trông giống như mái đình uốn lượn hơi cong lên trên, phần mái che ở giữa thường là hình nón hoặc mái vòm. Ngay chỗ phần chóp mái ở bốn góc thường được chạm khắc hình rồng hoặc chim phụng. Phần đầu thuyền thường có phù điêu long thần hoặc phụng hoàng. Như vậy, mỗi chiếc thuyền thường có tổng cộng 5 rồng hoặc 5 chim phụng. Ngoài ra còn có phù điêu ít phổ biến như là hình Thiên Nhãn, chim khổng tước, chim hạc, hoa sen…
– Thuyền Bát Nhã của Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế thì phù điêu chính có hình Long Thần
– Thuyền Bát Nhã của Đức Diêu Trì Kim Mẫu thì phù điêu chính có hình chim phụng.
– Thuyền Bát Nhã của Đức Thái Thượng Đạo Quân thì phù điêu chính có hình hạc và hoa sen.

– Về kích thước, tùy theo số lượng người được đưa đón trong một lần mà thuyền ấy có thể biến hóa trở nên to lớn sao cho vừa đủ một người ngồi thoải mái, hoặc là cho tất thảy những ai được lên thuyền đều đủ chỗ ngồi.
Trên con đường vượt qua bể khổ nơi Trung Giới hướng về Cội Đạo, nếu chân hồn đang ở trên Thuyền Bát Nhã nhưng lại bị động tình, động tâm, bất giác vướng mác chấp niệm thất tình lục dục thì tự nhiên con thuyền biến mất, chân hồn ấy lại phải chìm đắm trong trầm luân khổ hải của thất tình lục dục vậy. Trên chặng đường ấy, vẫn có những sự cám dỗ, thử thách khảo đảo diễn ra từ trong nội tâm cho đến ngoại cảnh tương tác để thử thách lòng chân chánh chí thiện chí thánh của chân hồn trên Thuyền Bát Nhã. Nếu ai chưa đủ tư chất thì phải tiếp tục tu dưỡng tâm tánh nơi Trung Giới hoặc Hạ Giới, để trải nghiệm, thấu hiểu, cuối cùng vì hiểu rõ mà mở lòng từ bi đại lượng, có thể hòa mình với tình thương bao la vô cùng tận của Đại Vũ Trụ. Khi ấy Thuyền Bát Nhã sẽ xuất hiện để đón rước người hiền đức vậy.

* Thể Pháp Thuyền Bát Nhã trong đời sống tín đồ Cao Đài Đại Đạo

– Trong nghi thức làm lễ đưa linh cữu di chuyển động quan từ nơi quàn linh cữu đến các Thánh Sở Đại Đạo và đưa về nơi an nghỉ cuối cùng ở nghĩa trang hoặc là đến lò thiêu. Lúc bấy giờ linh cữu sẽ được đặt trên một chiếc xe thuyền gọi là Thuyền Bát Nhã. Thuyền Bát Nhã được làm có dạng hình Rồng, phần đầu xe thuyền là đầu rồng, thân xe thuyền là thân rồng cho đến đuôi xe là đuôi rồng vậy. Trên xe sẽ có một gian mái che được làm vừa đủ để đặt linh cữu người quá vãng, có khi mái che này đủ lớn để thân nhân và đồng Đạo phụ trách đọc kinh cầu siêu có thể ngồi chung trên ấy.

– Xe này từ xưa thường được các anh em đạo tỳ kéo xe với dây thừng, thân nhân người quá vãng cùng đồng Đạo sẽ đi theo, vừa đi vừa đọc kinh cầu siêu. Theo dòng phát triển của công nghệ cơ khí, xe Thuyền Bát Nhã được làm trên nền xe tải có động cơ. Đối với những nơi có cự ly xa, thì xe này sẽ chạy bằng động cơ chứ không được kéo bằng sức người nữa. Đối với một số nơi có cự ly gần, đồng Đạo nếu có đông đủ nhân lực thì người ta cũng cố gắng kéo xe thuyền bằng sức người với dây thừng để thể hiện thành ý.

* Bát Nhã Thuyền Từ được nhắc đến trong các kinh sách

Khuôn thuyền Bát Nhã chẳng hề chìm
Nổi tựa như bông nặng quá kim
Có Đạo trăm muôn ngồi cũng đủ
Vô Duyên một kẻ tức thời chìm

Thánh Thi sưu tập

….…………………………..

Kinh Đệ Tứ Cửu – Tủ sách Cao đài Đại Đạo

Sắc huỳnh chiếu roi vàng đường hạc
Cõi Huỳnh Thiên nhẹ thoát chơn Tiên
Năm Rồng đỡ nổi đầu Thuyền
Vào Cung Tuyệt Khổ kiến Huyền Thiên Quân
Trừ quái khí Roi Thần chớp nhoáng
Bộ Lôi Công giải tán trược quang
Cửa Lầu Bát Quái chun ngang
Hỏa Tinh Tam Muội thiêu tàn oan gia
Đạp Thái Sơn nhảy qua Đẩu Suất
Định Kim Câu đến chực Thiên Môn
Chân thần đã nhập Càn Khôn
Thâu quyền độ thế bảo tồn chúng sinh

….…………………………….

Kinh Giải Oan – Tủ sách Cao Đài Đại Đạo

Vòng xoay chuyển vong hồn tấn hóa
Nương xác thân hiệp ngã Càn Khôn
Bước đường sinh tử đã chồn
Oan oan nghiệt nghiệt dập dồn trái căn
Luật nhân quả để răn Thánh Đức
Cửa luân hồi nhắc bực cao siêu
Dầu chăng phải mực Thiên Điều
Cũng quyền tự chủ dắt dìu thiên lương
Dòng khổ hải hễ thường chìm đắm
Mùi đau thương đã thấm chân linh
Dây oan xe chặt buộc mình
Nhớp nhơ lục dục thất tình nhiễm thân
Chịu ô trược chân thần nặng trĩu
Mảnh hình hài biếng hiểu lương tâm
Phong trần quen thú cung âm
Cảnh thăng ngơ ngẩn lạc lầm phong đô
Khối trái chủ nhẫn lo vay trả
Mới gầy nên nhân quả nợ đời
Rảnh mình đâu đặng thảnh thơi
Thiên Cung lỡ lối chơi vơi cõi trần
May đặng gặp hồng ân chan rưới
Giải trái oan sạch tội tiền khiên
Đóng Địa Ngục mở tầng Thiên
Khai đường Cực Lạc dẫn miền Tây Phương
Nhập Thánh Thể dò đường cựu vị
Noi chân truyền khử quỷ trừ ma
Huệ quang chiếu thấu chánh tà
Chèo Thuyền Bát Nhã Ngân Hà độ sinh
Cứ nương bóng Chí Linh soi bước
Gội mê đồ tắm Nước Ma Ha
Liên đài may nở thêm hoa
Lão Đam cũng biết, Thích Già cũng quen.

Nguồn: Tam Giới Toàn Thư

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *