Home Bí Pháp Giải Thoát trong Kinh Cầu Hồn Khi Hấp Hối

Bí Pháp Giải Thoát trong Kinh Cầu Hồn Khi Hấp Hối

Bí Pháp Giải Thoát trong Kinh Cầu Hồn Khi Hấp Hối

Bí Pháp Giải Thoát trong Kinh Cầu Hồn Khi Hấp Hối

Sự huyền diệu của Bí Pháp Giải Thoát được bày ra trong thời kỳ tận độ chúng sinh thông qua các câu từ ở bản kinh: “Kinh Cầu Hồn Khi Hấp Hối” do Đức Nguyệt Tâm Chơn Nhơn giáng cơ đề bút.

 Đối tượng trì tụng:

Kinh tụng niệm khi gặp người đau yếu, bệnh nặng, tai nạn nguy hiểm tính mạng sắp dứt hơi.

Thân nhân người đang hấp hối, người có duyên ở gần với người hấp hối, người có sự quan tâm đến người hấp hối mà ở xa thì hồi hướng đến người ấy rồi trì tụng cũng được.

* Ý nghĩa việc tụng niệm bản kinh này:

Việc nghe được thi kinh sẽ giúp cho thần thức người sắp mất được tỉnh táo, không hoảng loạn sợ hãi, khơi gợi tâm cảm hồi hướng về sự chuyển sinh thiện lành đến nơi bình yên, buông xả các nhân duyên ác nghiệp, sám hối hồi tâm về sự thuần lương. Nhờ vậy, khi dứt hơi hồn xuất khỏi thân xác sẽ không còn vướng chấp các nghiệp thế gian, sớm được tỉnh thức, gặp gỡ các vị thiện Thần dẫn độ cho họ về bến bờ an lạc.

Việc trì tụng kinh này cho người hấp hối rất quan trọng, cho nên nếu gia đình thân nhân người đang hấp hối có nhắn tin báo cho người có trách nhiệm ở Đạo sở, nơi thờ tự mà họ có đức tin và thường sinh hoạt tâm linh ở đó thì người phụ trách cần nhanh chóng có mặt, hoặc là liên lạc thông tin cho những ai ở gần nhà người hấp hối có mặt ngay, càng sớm càng tốt để kịp trì tụng cho người ta trong lúc hồn còn đang chịu đau đớn thân tâm dày vò sắp dứt hơi.

* Chuẩn bị nghi lễ:

Nếu là ở nhà có bàn thờ chư vị mình tôn kính thì thắp đầy đủ lễ vật gồm hương, đăng, hoa, trà, quả, tửu trên bàn thờ.

Thắp lên 1-3-5-9 cây hương tùy theo trên bàn thờ là thờ vị nào, theo nghi thức tế lễ tôn giáo nào. Nhưng chỉ nên là số lẻ thuộc dương, không thắp hương số chẵn.

Thắp lên một ngọn đèn dầu hoặc nến, và 1-3 cây hương trong một cái lư hương ở gần ngay đầu nằm của người hấp hối.

Lau mình và thay y phục sạch sẽ cho người hấp hối.

Người trì tụng kinh cũng nên tắm gội sạch sẽ, y phục chỉnh tề trang nghiêm.

1-3 người phụ trách cầm 1-3 cây nến hoặc ngọn đèn dầu đứng gần bên cạnh hoặc phía trên đầu nằm của người hấp hối lúc tụng kinh. Nếu là người chức việc hay chức sắc, người phụ trách nghi lễ ở nơi cơ sở thờ tự, Đạo sở mà người hấp hối thường sinh hoạt, có đức tin, hay chỉ đơn giản là có duyên rồi quan tâm mà đến trì tụng cho người hấp hối thì rất tốt.

Nếu không có người ở các đạo sở thì thân nhân và người nào có duyên cũng có thể làm được.

Người ở Đạo sở gần đó nên mang một cây Phướn Dẫn Hồn đến đặt gần nơi đầu nằm của người hấp hối. Phướn Dẫn Hồn này có hai loại là Thượng Phẩm và Thượng Sanh. Nếu người hấp hối là hành giả tu tập có ăn chay trường, giữ giới luật tu tập của các tôn giáo mình theo một cách tích cực, có phẩm cấp ở bậc Thượng Thừa, tương đương bậc Thánh trở lên thì dùng Phướn Thượng Phẩm. Đối với người có tu tập chưa cao hay là không có tu tập thì dùng Phướn Thượng Sanh.

Vị chức việc hay chức sắc phụ trách cầm đèn dẫn hồn phải là người có phẩm vị tương đương, hoặc cao hơn người hấp hối mới làm phép dẫn hồn được.

* Cách thức trì tụng:

Khi trì tụng kinh thì thân nhân, người trì kinh nói với người hấp hối là hãy yên lòng rời đi, buông xả các vướng chấp của mình, ra đi nhẹ nhàng về bến bờ an lạc, đến với chư vị nào mà mình có đức tin, tôn kính.

Nên tụng 3 biến liên tục, chậm rãi với tất cả lòng chân thành khấn nguyện cho người, vật đang hấp hối ấy được an lành ra đi không vướng chấp vào thân tâm đang chịu đau đớn dày vò lúc hấp hối.

Tránh tối đa việc tụng đọc quá nhanh, đọc cho lấy có, đọc trả nợ Quỷ Thần, đọc không có Tâm, đọc mà không biết không hiểu rõ mình đang đọc cái gì, tại sao mình đọc, đọc cho ai.


Nếu có nhiều thời gian thì ở cạnh người hấp hối, trì tụng liên tục cho đến khi họ dứt hơi thì tụng tiếp bài Kinh Tụng Khi Đã Chết Rồi.

Nếu không có điều kiện, nhân lực thì sau khi tụng 3 biến thì thôi. Nghỉ ngơi, chờ đợi kết quả từ người hấp hối. Nếu có biểu hiện hoàn dương mạnh khỏe thì thôi. Nếu có biểu hiện ngày càng yếu dần không biết ra đi lúc nào thì thỉnh thoảng lại trì tụng cho người ấy nghe. Việc này giúp cho thần thức người đó được sáng suốt minh mẫn, không bị u mê hay vướng chấp các đau khổ, ý nghĩ bất thiện, mạnh mẽ sẵn sàng đối diện việc dứt hơi.

Khi tụng xong kinh này, nếu người hấp hối dứt hơi tắt thở thì tụng tiếp bài “Kinh Tụng Khi Đã Chết Rồi” luân phiên nối tiếp nhau 3 lần cho người ấy. Tức là mỗi lần sẽ tụng 2 bài Kinh Cầu Hồn Khi Hấp Hối và Kinh Tụng Khi Đã Chết Rồi liên tục, rồi lại tụng tiếp 2 lần nữa giống như thế.

Đối với các trường hợp sau khi tụng kinh này xong, người hấp hối vẫn chưa dứt hơi. Sau đó một thời gian thì dứt hơi. Lúc bấy giờ, thân nhân và đạo hữu chỉ tụng “Kinh Khi Đã Chết Rồi” 3 lần, không tụng Kinh Cầu Hồn Khi Hấp Hối, vì người ta đã dứt hơi rồi.

Lỡ như trong lúc người ta hấp hối mà không có ai trì tụng Kinh Cầu Hồn Khi Hấp Hối, người ta chưa nghe được kinh này mà dứt hơi. Thân nhân và đạo hữu có mặt khi người ta đã dứt hơi rồi thì không tụng bài kinh này, chỉ tụng Kinh Khi Đã Chết Rồi 3 lần mà thôi.

Tất cả các trường hợp trên, sau khi tụng Kinh Khi Đã Chết Rồi thì có thể tụng tiếp “Kinh Cầu Siêu” 3 lần.

Việc tụng Kinh Cầu Siêu này nên là xuyên suốt, liên tục, thân nhân và đồng đạo hễ ai có chút thời gian thì trì tụng cho người ấy trong suốt những ngày tang lễ.

….……………..

Kinh Văn:

Kinh Cầu Hồn Khi Hấp Hối

Rắp nhập cảnh Thiêng Liêng Hằng Sống

Chốn quê xưa giải mộng trần gian

Dìu đường thoát tục nắm phan

Trông Kinh Bạch Ngọc định thần giải căn.

Diêu Trì Cung sai nàng Tiên Nữ

Phép Lục Nương gìn giữ chơn hồn

Tây Phương Tiếp Dẫn Đạo Nhơn

Phướn linh khai mở nẻo đường Lôi Âm.

Ớ… (Họ tên người, vật quy vị) thành tâm cầu nguyện

Nguyện Chí Tôn linh hiển độ sanh

Ăn năn sám hối tội tình

Xét câu minh thệ gửi mình cõi thăng.

Dầu nghiệt chướng số căn quả báo

Đừng hãi kinh, cầu đảo Chí Tôn

Cửa Địa ngục, khá lánh chơn

Ngọc Hư Cực Lạc, đon đường ruổi dong.

Dầu trọn kiếp sống không nên Đạo

Dầu oan gia tội báo buộc ràng

Chí Tôn xá tội giải oan

Thánh, Thần, Tiên, Phật cứu nàn độ vong.

Kìa chiếu diệu bóng hồng Bắc Đẩu

Kìa im lìm phúc hậu Nam Tào

Cảnh thăng trổi gót cho mau

Xa vòng tục lự đặng chầu Chí Linh.

Đức Nguyệt Tâm Chân Nhân

..

Diễn nghĩa Kinh bởi Tuyết Liên Tử

Rắp nhập cảnh Thiêng Liêng Hằng Sống

Chốn quê xưa giải mộng trần gian

Dìu đường thoát tục nắm phan

Trông Kinh Bạch Ngọc định thần giải căn.

Chơn hồn chuẩn bị, quyết định đi vào cõi Thiêng Liêng Hằng Sống.

Chơn hồn đã từ đâu đến đây bây giờ hồi hướng trở về nơi ấy, đó mới chính là quê xưa chốn cũ của chơn hồn. Cõi trần như giấc mộng vui buồn mà đời thường buồn nhiều hơn vui. Những gì diễn ra trong mộng thì chẳng nên vướng chấp, nên hóa giải, cởi bỏ buông xả hết.

Nương theo ngọn phướn dẫn hồn rời xa cõi tục, xa lìa chuyện thế gian phàm tục.

Hồi hướng về Bạch Ngọc Kinh, nơi các Đấng Phụ Mẫu thiêng liêng hằng trông đợi các chơn hồn quay về, nơi bến bờ an lạc thong dong tự tại.

Diêu Trì Cung sai nàng Tiên Nữ

Phép Lục Nương gìn giữ chơn hồn

Tây Phương Tiếp Dẫn Đạo Nhơn

Phướn linh khai mở nẻo đường Lôi Âm.

Đức Diêu Trì Kim Mẫu kêu vị Tiên Nữ là Đức Lục Nương Diêu Trì Cung dùng Truy Hồn Phan thu giữ lấy chơn hồn vừa thoát xác ấy, gìn giữ bảo vệ cho chơn hồn ấy được định tâm tỉnh trí, không vướng vào tà niệm mà chuyển sinh vào đường dữ.

Đức Tiếp Dẫn Đạo Nhơn mà chúng ta thường biết đến, nghĩ đến chính là Đức A Di Đà Phật. Nhưng mà thực ra, Tiếp Dẫn Đạo Nhơn là một chức vụ, một danh từ chỉ về nghề nghiệp của chư vị tiếp dẫn các chơn hồn hồi hướng về cõi Tây Phương Cực Lạc. Chư vị ấy có thể thị hiện thân ảnh là Đức Phật A Di Đà dù không phải là chính Ngài, hay có thể thị hiện thành một vị nào đó giống với niềm tin của tôn giáo trong tâm cảm mà chơn hồn của người đang hấp hối hay vừa dứt hơi.

Nhờ có cờ phướn linh thiêng dẫn đường phát ra ánh sáng mở lối về Lôi Âm Tự, nơi Đức Phật A Di Đà đang an ngự mà chơn hồn không bị lạc lối, không bị hoảng loạn trong việc lựa chọn hồi hướng chuyển sinh đi đâu về đâu.


Ớ… (Họ tên người, vật đang hấp hối) thành tâm cầu nguyện

Nguyện Chí Tôn linh hiển độ sanh

Ăn năn sám hối tội tình

Xét câu minh thệ gửi mình cõi thăng.

Người đang hấp hối được kêu đúng tên thiệt của mình, tên đầy đủ trong giấy tờ khai sinh, tên Pháp Danh mình thường dùng và sống với tên ấy suốt kiếp sinh. Việc kêu tên này giúp cho thần thức người ấy được tỉnh táo, nhận thức rõ ràng về bản tâm, bản thân mình, là chính mình chớ không phải rằng mất đi tự chủ tự ý thức mà không biết mình là ai.

Thần thức người ấy được tỉnh táo, thành tâm nguyện cầu với Đấng Chí Tôn, là vị mà mình thành kính tin tưởng nhất, đặt trọn niềm tin yêu vào đấy. Tùy đức tin tôn giáo mà mỗi người sẽ có khái niệm hình ảnh, tên gọi về Đấng Chí Tôn của mình khác nhau. Ai tin thế nào, thì ảnh tượng của Đấng Chí Tôn sẽ hiển linh thị hiện ra như thế trước mắt người hấp hối ấy và độ dẫn thần thức của người, vật ấy được thoát xác nhẹ nhàng.

Khi đối diện cận tử nghiệp, người ta thường được tái hiện rõ ràng các kí ức trong kiếp sinh ấy. Những chuyện bất thiện, được hiểu là tội lỗi của người ấy khiến cho người ấy cảm thấy đau khổ, hối hận vì đã làm việc bất thiện như thế. Việc sám hối giúp buông xả ý niệm phiền não đau khổ ấy ra khỏi tâm tư mình, từ đó mới nhẹ nhàng thoát xác được mà không bị dày vò đớn đau thân tâm.

Đối với những người có tu tập, có thọ trì giới luật, có lập thệ nguyện tu tập hồi hướng tinh tấn khi nhập môn cầu Đạo thì hồi tưởng nhớ lại lời thệ nguyện của mình trọng hệ dường nào. Nhờ lời thệ nguyện này gìn giữ cho mình nhớ rằng mình là một tín đồ của Đạo Giáo, pháp môn tu tập nào đó, mình sẽ được chuyển sinh về nơi phù hợp với những chơn hồn có đức tin và thệ nguyện giống mình.

Dầu nghiệt chướng số căn quả báo

Đừng hãi kinh, cầu đảo Chí Tôn

Cửa Địa ngục, khá lánh chơn

Ngọc Hư, Cực Lạc, đon đường ruổi dong.

Dầu cho các nghiệp bất thiện mình đã làm nay đến báo oán mình, đòi nợ mình, khiến cho mình ám ảnh, rơi vào hoảng loạn sợ hãi, đau khổ thân tâm vô cùng.

Ráng bình tâm tỉnh trí, đừng kinh hãi mà đánh mất tự tánh của mình, không đánh mất sự tỉnh thức còn biết mình là ai và tin vào điều gì. Lúc này đây việc nhớ rõ mình là môn đệ của pháp môn nào, tu tập theo vị nào, Đấng Chí Tôn của mình là ai, cầu khấn với vị ấy để về với vị ấy. Việc này vô cùng quan trọng vì có thể giúp cho chơn hồn vừa thoát xác ấy không bị các nghiệp báo ác hành của mình lôi kéo chuyển sinh vào đường dữ.

Nhờ việc đặt đức tin trọn vẹn, hồi tưởng nhớ về Đấng Chí Tôn mà mình tin tưởng rồi buông xả các nhân duyên nghiệp dữ của mình. Đến với thế gian hai bàn tay trắng, ra đi cũng trắng hai tay, nhẹ nhàng trong sạch hồng trần chẳng vướng, không bị vướng niệm bất thiện vào ác nghiệt mà bị lôi kéo vào cảnh đọa đày Địa Ngục.

Lúc bấy giờ, chơn hồn ấy có thần thức tỉnh táo, hồi hướng về bến bờ an lạc là Ngọc Hư Cung, Cực Lạc Quốc chuyển sinh về đấy, được chư vị độ dẫn về các nơi an lành ấy.

Dầu trọn kiếp sống không nên Đạo

Dầu oan gia tội báo buộc ràng

Chí Tôn xá tội giải oan

Thánh, Thần, Tiên, Phật cứu nàn độ vong.

Dầu cả kiếp sinh của mình làm nhiều điều bất thiện, gây nên oán thù với bao chúng sinh khác. Nghiệt chướng từ các nghiệp bất thiện ấy đã kéo tới bủa vây lấy chơn hồn mình lúc thoát xác. Oan gia trái chủ đã tìm tới rồi, nếu mình có thể đối diện điều ấy, sám hối tội căn của mình gây nên, buông xả những lầm lỡ cuộc đời.

Đức Chí Tôn ở đây chính là đức tánh thiên lương của mình, tánh đức thiện lành chân thật thường hằng hữu an ngự trong tâm cảm mỗi người. Chân thành tha thứ cho những lầm lỡ trong đời của người và của mình cũng là một loại từ bi và trí tuệ để tự mình giải thoát khỏi các khổ đau thân tâm và cả khi dứt hơi hồn xuất.

Tự mình phán xét lấy mình, là quan tòa lương tâm của mình, có thể kết tội mình, hay tha thứ cho mình cũng chỉ do chính mình quyết định.

Dầu thiện ác, dầu oan gia trái chủ, dầu con nợ hay chủ nợ… chung quy vẫn là tự tánh vốn Không.

Không hoàn Không chẳng dị biệt.

Chư Thần Thánh Tiên Phật với đức tin của mỗi người, các tôn giáo khác nhau đều có chung ý hướng trong việc độ duyên chúng sinh khỏi cảnh khổ, dẫn độ chư vong linh về với bến bờ an lạc. Có chăng là chư vong linh có thể tự tha thứ cho mình, tự mình tin tưởng rằng mình được giải thoát khỏi những đau khổ đời mình, mình được thong dong tự tại an lạc chăng, là do chính mình tin tưởng vào điều ấy vậy.

Kìa chiếu diệu bóng hồng Bắc Đẩu

Kìa im lìm phúc hậu Nam Tào

Cảnh thăng trổi gót cho mau

Xa vòng tục lự đặng chầu Chí Linh.

Ánh sáng huyền diệu xuất hiện, thân ảnh của hai vị Bắc Đẩu và Nam Tào lặng lẽ tỏa ra ánh hào quang thiên lương, thiện lành giúp cho chơn hồn cảm thấy bình yên mà hồi hướng theo chư vị ấy.

Thần thức trong lúc hấp hối đang cơn hoảng loạn, nhờ lời kinh nhắc nhờ, nhờ sự cầu nguyện quan tâm của thân nhân và đạo hữu khiến cho tinh thần người ấy cảm thấy bình yên thanh thản ra đi, không vướng chấp vào các đau khổ, tội nghiệt, hồng trần phàm tục nữa. Bấy giờ chơn hồn nhẹ nhàng xuất ra, rời khỏi thân xác, nương theo ánh hào quang dịu dàng ấm áp thiên lương của chư vị mà hương về cõi lành, hướng về Đức Chí Linh, chính là Đức Chí Tôn đó vậy.

Đức Nguyệt Tâm Chơn Nhơn

Đức Nguyệt Tâm Chơn Nhơn là một trong Tam Thánh Bạch Vân Động. Ngài từng có một kiếp chiết linh nhập trần là Cụ Nguyễn Du, một Đại Thi Hào của Đại Việt nổi tiếng khắp Thế Giới.

Sau đó, Ngài lại tiếp tục chiết linh giáng trần ở Pháp Quốc là Đại Thi Hào Victor Hugo nổi tiếng thế giới.

Thời Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, Ngài đến với thế gian qua huyền diệu cơ bút Đạo Cao Đài với tôn danh Nguyệt Tâm Chơn Nhơn. Ngài thường giáng cơ dạy Đạo, khuyến thiện và ban Tân Kinh cho Đạo Cao Đài.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *