Home Cẩm Nang Hành Đạo

Cẩm Nang Hành Đạo

Cẩm Nang Hành Đạo

Dẫn nhập

Thiết nghĩ, con đường tu Đạo mênh mông bao la, những ai đã quyết tâm đi tìm sự giải thoát cho bản thân cùng chúng sanh thì đều đã có những tâm ý, nguyện lực, định hướng riêng cho bản thân mình trên bước đường tu Đạo. Thế nhưng, trên thực tế, mặc dù đã có sẵn những định hướng, những dự định cụ thể, nhưng khi đối mặt với những chuyện chưa từng trải nghiệm, hoặc đã từng trải nghiệm nhưng do quá trình tu tập gặp nhiều sự tác động khiến cho hành giả dễ dàng rơi vào tình trạng lúng túng không biết nên làm việc gì trước, việc gì sau, hoặc quên mất ý nguyện của mình, quên mất mình cần phải làm gì.

Vậy nên, quyển “Cẩm nang hành Đạo” này được bần Đạo viết nhằm mục đích nhắc nhở, hệ thống lại quá trình hành Đạo khi đối diện với các tình huống xảy ra trên bước đường tu Đạo cứu Đời của chư hành giả.

Rất mong chư hành giả xem xét và lưu tâm thật kỹ để tránh lâm vào tình trạng lúng túng hoặc quên mất việc mình cần phải làm gì khi đối diện với khó khăn, thử thách.

Thân ái cẩn bạch

Huyền Quang – Tuệ Tâm

…………………………………………………….

Vạn sự tùy Duyên

Duyên là tự nhiên, không cưỡng ép vọng cầu.

Mọi sự vận hành nơi mặt hữu hình hay vô hình, cũng đều có nguyên do của nó. Vậy nên, trong quá trình hành Đạo, không nên cưỡng ép mình và người vào những sự bất tự nhiên, mang tính chất gượng ép.

“Gặp Vui cũng vui, gặp Buồn cũng buồn.

Nhưng đừng để nọc buồn vui thấm vào Chân Tánh”

Đừng suy nghĩ quá nhiều về kết quả, thành bại của việc mình đang làm. Thành hay Bại chẳng phải do bản thân hành giả quyết định, còn tùy thuộc vào Duyên Nghiệp giữa hành giả cùng sự việc ấy, tùy vào sự tương thông tâm thức giữa hành giả và nạn giả.

Thành thì hoan hỷ, cố gắng phát huy.

Bại thì buồn một chút, rồi gác nỗi buồn ấy qua một bên và phải cố gắng hơn nữa.

Làm được vậy mới giữ Thân Tâm luôn an lạc, không bị chi phối bởi thế tục thường tình.

“Chớ thái quá, đừng lòng bất cập.

Phép tu hành luyện tập nhiều ngày”

Có nhiều người nghĩ rằng tu hành thì phải gấp rút, phải dốc hết toàn tâm toàn ý, vắt hết sức mình ra để học và hành.

Hãy thận trọng, vì xưa nay “Dục tốc bất đạt”. Nếu thái quá, dành hết thời gian, tâm trí, thể lực vào việc tu hành thì có khi lại có kết quả chẳng tốt đẹp vì Thân Tâm hành giả đã bị “Động”, không giữ được sự thanh tịnh nữa.

Nếu lười biếng, không để tâm việc tu học, tu hành thì hóa ra thấy đường đi trước mắt mà không chịu bước đi, thì đến bao giờ mới có thể tới đích được?

Tùy Căn Duyên, tùy Ngộ Tính, tùy sức khỏe và hoàn cảnh khách quan lẫn chủ quan của từng người mà có phương thức sắp xếp sao cho việc tu hành của mình được điều độ, không quá sức, nhưng cũng không quá trì trệ biếng nhác mà hỏng việc, uổng phí thời gian, uổng phí một kiếp sanh may duyên gặp Đạo.

“Hãy luôn cố gắng nhưng đừng quá sức!”

Hãy bước đi, tuy chậm nhưng phải thật chắc để luôn hiểu rằng dưới chân mình có gì cần vượt qua, còn hơn là chạy nhanh mà sập hầm lọt hố không hay!

Đường tu dài lắm, cả trọn kiếp sanh này, cho nên hãy luôn thận trọng và siêng năng trong phạm vi, sức lực của mình.

Mọi suy nghĩ, lời nói, hành động phải luôn xuất phát từ tình yêu thương và công chánh.

Hành giả tu Đạo, cũng là đang trau dồi Thân Tâm mình càng ngày càng trở nên trọn lành, trở lại đúng với bản Tánh thiên lương của điểm Tiểu Linh Quang mà Đạo đã ở trong chúng ta tự bao giờ.

Bản Tánh vốn dĩ trọn lành, do Trí còn đắm chìm trong vô minh nên khó tránh khỏi lỗi lầm trong quá trình tu Đạo. Cho nên hằng ngày cần trau dồi trí tuệ, tinh thần sao cho quang minh sáng suốt, phá màn vô minh, hợp cùng Tâm Tánh để hành giả tương thông, thấu triệt vạn Pháp mà hành sự cho hợp lẽ Đạo.

Nếu có hành động nào, lời nói nào, ý niệm nào phát xuất từ thân tâm ta mà có khả năng đem lại sự đau khổ, nỗi bất hạnh, sự tổn thương, làm cho kẻ khác đau lòng thì tuyệt nhiên phải diệt trừ sạch hết những ý niệm đó, những lời nói đó và những hành động đó.

Nếu có hành động nào, lời nói nào, ý niệm nào phát xuất từ thân tâm ta mà không đem lại niềm hạnh phúc an lạc, sự an vui, hữu ích cho chúng sanh, cho vũ trụ này thì chớ nên làm, chẳng nên nói và cũng đừng nên nghĩ.

Nếu có hành động nào, lời nói nào, ý niệm nào phát xuất từ thân tâm ta mà có khả năng đem lại niềm an vui, phúc lạc, sự tinh tấn thể xác, trí não, tinh thần cho chúng sanh thì ta hãy gìn giữ và gieo trồng thêm ngày càng nhiều những hạt giống thiện lành ấy.

“Hãy luôn lấy yêu thương, công chánh làm gốc!

Phải thân thiết cùng vạn linh và Chí Linh!”

Yêu thương, tôn trọng bản thân mình thế nào thì hãy  yêu thương, trân trọng vạn loại thế ấy. Đặt mình vào hoàn cảnh, vị trí của vạn linh để thông cảm và hiểu rõ hơn về giá trị tồn tại của vạn linh.

Chí Linh là Thầy, là Cha vạn linh, với vị trí của Người thì tình yêu thương Người dành cho vạn linh, là con cái, là một phần của Người thì bao la vô cùng tận, hãy noi theo tình yêu thương ấy mà đối xử cùng vạn linh.

“Vạn sự vô thường

Đừng bám chấp vô thường mà tự làm khổ mình”

Dù cuộc vui nào cũng có lúc phải tàn, dù nỗi buồn nào cũng có lúc phải vơi. Sinh – Lão – Bệnh – Tử, con người và sanh vật đều nằm trong vòng lẩn quẩn ấy, mới còn đó rồi lại vụt tan biến mất như chưa từng tồn tại.

Đã sinh tồn nơi mặt thế gian, hằng ngày mỗi người chúng ta đều đối diện với biết bao sự buồn vui thường tình thế tục, nếu để thân tâm ta rung động theo sự biến chuyển không ngừng ấy, thì tự mình đang chịu cuốn theo vòng lẩn quẩn thế tục, chỉ chuốc khổ.

Nhưng nếu ta cố nghĩ rằng mọi thứ đều vô thường, rồi ta buông xuôi tất cả, chẳng màng đến những sự xảy ra trước mắt ta nơi mặt thế gian này, cố làm thành kẻ vô tình vô cảm thì lúc ấy là ta đang bám chấp vào vô thường, cũng tự làm khổ mình. Vì mọi sự đều có nguyên do của nó, phải để nó tự nhiên, đến rồi đi, chứ chẳng phải ta cố xua đuổi tất cả những gì muốn đến với ta, là sự sai lầm đó vậy.

“Pháp thì vô thường, là phương tiện nhất thời để trợ duyên. Pháp không phải là cứu cánh để mang lại hạnh phúc chân thật.”

Pháp là phương tiện hữu dụng, giúp cho hành giả hành Đạo được thuận tiện, giúp đỡ cho bản thân hành giả cùng chư chúng sanh có thêm sự trợ duyên mà vượt qua được khó khăn, chướng ngại trong đường Đạo lẫn đường Đời.

Nguyên tắc hành Đạo

Chúng ta không cô độc!

Là hành giả trên bước đường tu Đạo, chúng ta không bao giờ cô độc.

Về phương diện vô hình, có Thầy cùng chư vị hộ trì trợ duyên, tác Pháp.

Trên phương diện hữu hình thì bên cạnh hành giả luôn có những đạo hữu đồng tu trong cùng một Pháp Môn, cùng một hội nhóm, gần gũi và chia sẻ với ta.

Không nên quên việc kêu gọi sự trợ Duyên

· Phương diện hữu hình

Khi đối diện các vấn nạn khó khăn, hành giả cần phải lưu tâm rằng có từ hai người trở lên, công việc sẽ giảm nhẹ gánh nặng trên vai hành giả.

Việc kêu gọi trợ duyên tạo thêm điều kiện cho đạo hữu của mình có thêm cơ hội để hành thiện và tinh tấn.

Đối với nạn giả, việc có thêm một sự trợ duyên giúp sức sẽ có thêm một cơ hội để vượt qua cơn nguy khốn, vì giữa hành giả và nạn giả cần sự tương tác về duyên nghiệp, tâm ý, tần số năng lượng tương ứng thì dễ tiếp điển lực mà vượt qua nguy khốn.

· Phương diện vô hình

Cầu nguyện Thầy, chư vị hộ trì giúp sức để trợ Duyên cho nạn giả vượt qua nguy khốn.

Nhờ việc cầu nguyện này, những duyên nghiệp nào quá nặng nề, có thể sẽ được chuyển duyên chia nhỏ ra và nếu là oán nợ tiền căn đã đến lúc gặt quả thì nạn giả đành phải tự vượt qua, hành giả không can thiệp chuyển Duyên được.

Chư vị Hộ Pháp luôn đồng hành cùng hành giả!

Khi hành Pháp, hành giả phải để tâm đến điều quan trọng này, mời vị Hộ Pháp đến để cùng mình hành Pháp.

Việc này thể hiện sự tôn trọng, tin tưởng và hòa đồng tâm ý, tương thân tương ái cùng Hộ Pháp của mình, vị hộ trì và dẫn dắt mình trên đường tâm linh.

Nhiều cuộc hành Pháp rơi vào bế tắc, thất bại chỉ vì do sơ suất quên mất việc mời vị Hộ Pháp, như vậy sẽ rất đáng tiếc cho cơ hội hành thiện giúp đời và đáng tiếc cho một mối thiện Duyên có thể được gieo kết khi hành Pháp thành công giúp đỡ nạn giả chuyển Duyên được.

Tuyệt đối không được làm việc quá sức mình!

Không được dấn thân lao vào việc mà mình không xác định được, không hiểu rõ nó là gì.

Luôn biết người biết ta, làm những gì phù hợp với khả năng của mình là điều vô cùng trọng yếu trên đường tu Đạo lẫn sinh hoạt trong đời thường thế tục.

Phải xác định được việc mình đang làm, nhận thức được giá trị, ý nghĩa của việc ấy, hiểu được khả năng mình có làm được hay không. Để có thể hiểu được thì luôn tự xét mình và tham khảo thêm ý kiến của bậc tiền bối đã từng trải qua những việc tương tự.

Khi đã xác định được khả năng của bản thân có tương ứng, phù hợp việc ấy hay không thì mới được phép hành sự.

Tuyệt đối không làm những việc mà đã biết rõ mình làm không nổi.

Không được chủ quan, khinh suất hoặc như muốn khẳng định bản lĩnh của mình mà dấn thân vào việc mình chưa hiểu rõ, hoặc không xác định được nó là gì. Khi gặp những trường hợp này, phải thông báo ngay cho những người có nhiều kinh nghiệm để tìm phương án giải quyết.

Phải mời vị Hộ Pháp trước khi hành những Pháp Sự nguy hiểm.

Tất nhiên vị Hộ Pháp sẽ ứng hiện để bảo vệ hành giả trong những trường hợp nguy cấp. Nhưng nếu như giữa hành giả và vị Hộ Pháp chưa tương thông được, còn những khúc mắc mà hành giả gặp nguy hiểm, không triệu tập vị Hộ Pháp đúng lúc thì khi hành giả rơi vào bấn loạn tinh thần, vị Hộ Pháp cũng khó lòng giúp đỡ hộ trì hành giả an toàn trọn vẹn.

· Những Pháp Sự được liệt vào nguy hiểm gồm

Những việc khó khăn so với khả năng của mình.

Những căn bệnh nặng, y học bó tay, gần kề sinh tử,  bệnh lạ không tìm ra nguyên nhân.

Những trường hợp liên quan đến âm linh, vong ám, nhập, giả dạng xưng Thần Thánh Tiên Phật.

Những lúc đối diện với các vong linh mà mình chưa rõ tâm ý ra sao, hoặc như bị ma quỷ hù dọa, nhát.

Những lúc đối diện với tà sư, ác sư, tà pháp.

Những việc liên quan đến thời tiết, khí hậu, thiên tai.

Những dịch bệnh có tính lây nhiễm cao.

Những vụ có dính đến bùa ngãi, thư ếm, phong ấn, đất đai phong thủy.

Những vụ tranh hơn thua có khả năng dẫn đến bạo lực có vũ khí hoặc không có vũ khí.

Những vụ việc liên quan đến ân tình, thù hận cá nhân hoặc các tổ chức tập thể với nhau.

Các việc cần làm khi hành Pháp Sự

Giải nghiệp trị bệnh:

Tìm hiểu căn bệnh, chia sẻ, quan tâm bệnh nhân.

Hỏi rõ bệnh nhân hiện đang đau chỗ nào

Chẩn đoán bằng cách bao bọc bệnh nhân trong Pháp Giới và hành giả xem xét Khí của bệnh nhân rối loạn ra sao, vị trí nào.

Yêu cầu bệnh nhân tuân thủ theo giao ước phương pháp giải bệnh “Chuyển Duyên” bằng việc ăn chay, hành thiện tích đức. Mỗi tháng phải giữ chay giới tối thiểu 10 ngày, nếu chưa quen thì có thể tập dần từ 2 ngày, 4 ngày, 6 ngày rồi 10 ngày. Trong vòng 6 tháng, nếu không thể thay đổi được thì bệnh tật có thể tái phát, hành giả không thể can thiệp được nữa.

Nếu rơi vào trường hợp bệnh nguy hiểm thì cần phải mời vị Hộ Pháp xuất hiện để hộ trì hành Pháp.

Truyền khí lực gia hộ tiếp thêm sức khỏe, tinh thần cho bệnh nhân được an vui mạnh khỏe

Có thể dùng các Chú, Pháp, Ấn để phát huy tối đa khả năng tương tác Khí lực giữa hành giả và bệnh nhân.  

Nếu bệnh có sự kì dị, dị khí lạ, nghi ngờ là do bùa ngãi, thư ếm, ám vong xâm nhập thì chuyển qua cho các đồng môn bên Huyền Thuật giải quyết.

Sau khi hành Pháp xong, phải luôn giữ liên lạc, thăm hỏi và duy trì niềm tin của bệnh nhân vào việc trị bệnh chuyển Duyên.

Giải phù chú, thư ếm, ngãi:

Chỉ những môn đệ có Đạo Hiệu từ cấp 4 trở lên mới được phép hành các Pháp Sự dạng này.

Tìm hiểu nạn giả đã từng có gây oán hận gì với tha nhân, tha vật khác

Mời vị Hộ Pháp để xin tác ý, gợi ý. Xin ý kiến chư vị để giải quyết chuyển Duyên hoặc hóa giải ác duyên nếu như nạn giả là người bị hại trong mối Duyên mới.

Yêu cầu nạn giả tuân thủ theo giao ước phương pháp hóa giải “Chuyển Duyên” bằng việc ăn chay, hành thiện tích đức. Mỗi tháng phải giữ chay giới tối thiểu 10 ngày, nếu chưa quen thì có thể tập dần từ 2 ngày, 4 ngày, 6 ngày rồi 10 ngày. Trong vòng 6 tháng, nếu không thể thay đổi được thì mọi sự thay đổi, nghiệt chướng có thể tái phát, hành giả không thể can thiệp được nữa.

Cho nạn giả xông hơi khử trược và tắm qua Thánh Thủy Linh Dược gồm: nước sạch, muối, rượu, tinh dầu.

Dùng Bí Pháp “Chân Ngôn Mật Chú” để tiêu trừ các loại pháp đang tác động đến nạn giả.

Dùng “Hư Vô Cung Tâm Chú” để tiêu trừ dị khí tác động lên nạn giả, sau đó dùng tiếp “Địa Linh Cung Tâm Chú” để đưa thân tâm nạn giả trở lại sự điều hòa bình an, khi dụng Tâm Chú Cửu Cung thì do chính hành giả xướng, niệm, sau đó yêu cầu nạn giả niệm theo. Có thể kết hợp thêm Tâm Chú Cửu Cung khác tùy thuộc vào Cung mà hành giả trực thuộc tu hành.

Sau khi hóa giải được hết các loại pháp gây tổn thương nạn giả, hành giả tiếp tục phong ấn nạn giả lại bằng “Chân Ngôn Mật Chú” và “Ngũ Hành Trận”.

Nên trao tặng nạn giả 1 Linh Phù Pháp Danh Đạo Hiệu của chính hành giả chủ lễ tham gia trong Pháp Sự.

Kết thúc quá trình hành Pháp Sự, hành giả phải luôn giữ liên lạc, theo dõi sát tình hình của nạn giả trong vòng 1 tháng, nếu có vấn đề tái phát thì phải can thiệp.

Nếu nạn giả không giữ đúng giao ước, sau 6 tháng, hành giả không thể tiếp tục can thiệp được nữa.

Nếu nạn giả giữ đúng giao ước, sau 6 tháng nhưng tình trạng lại tái phát thì phải thiết lập đàn tràng để Chuyển Duyên, phải mời được hành giả có Đạo Hiệu từ cấp 6 trở lên để chứng đàn tác Pháp.

Mời thêm các hành giả khác cùng trì chú gia hộ cho nạn giả được tai qua nạn khỏi.

Giải vong ám, nhập, ma quỷ thị hiện

Tìm hiểu tình trạng nạn giả. Bản thân nạn giả hoặc người thân có gây oán hận gì đối với tha vật, tha nhân hay không

Điều tra trong căn nhà đang ở, khu đất cũ có phải là nơi nghĩa trang, hoặc nơi đất hoang âm khí nhiều không

Nếu là nhà mua lại từ chủ cũ, hoặc đang thuê thì chủ nhà trước có gây nên oán nghiệp gì nặng không.

Yêu cầu nạn giả tuân thủ theo giao ước phương pháp hóa giải “Chuyển Duyên” bằng việc ăn chay, hành thiện tích đức. Mỗi tháng phải giữ chay giới tối thiểu 10 ngày, nếu chưa quen thì có thể tập dần từ 2 ngày, 4 ngày, 6 ngày rồi 10 ngày. Trong vòng 6 tháng, nếu không thể thay đổi được thì mọi sự thay đổi, nghiệt chướng có thể tái phát, hành giả không thể can thiệp được nữa.

Tụng Kinh, Chú, cầu nguyện hồi hướng đến địa chỉ, những người và vong linh nơi nhà, khu đất đó nếu như không có điều kiện đến tận nơi để hành giả hành Pháp Sự trực tiếp.

· Các Kinh, Chú dùng trong trường hợp này:

Kinh – Chú A Di Đà

Kinh – Chú Địa Tạng

Kinh Di Lạc

Chú Đại Bi – Chú Lục Tự Đại Minh

Chú Vãng Sanh

Tâm Chú Cửu Cung:

Hư Vô Cung, Thánh Hỏa Cung, Tịnh Thủy Cung, Địa Linh Cung.

Có thể dụng thêm Tâm Chú Cửu Cung khác tùy duyên giữa hành giả với Cung ấy và duyên nghiệp của vong.

· Hành Pháp “Chuyển Duyên Giải Nghiệp”:

Thiết lập 1 bàn cúng lễ nhỏ gồm: hoa, quả, hương, 3 chung rượu, 1 chung trà, 1 chung nước. Mỗi thứ một ít gọi là của lễ, càng đơn giản, tiết kiệm thì càng tốt, hợp lẽ Đạo. Nếu hành giả có thể đến được nhà nạn giả thì sắp xếp một nhóm mấy anh chị em cùng nhau đến nhà nạn giả để tụng kinh và hành Pháp Sự, nếu không thể đến được thì hành Pháp từ xa, hẹn giờ sẽ hành Pháp với nạn giả. Tùy duyên và khả năng của hành giả mà tụng các Kinh Chú đã nêu bên trên. Cầu nguyện, hồi hướng tâm đức đến nạn giả và vong linh nơi ấy. Khuyên và dẫn độ chư vong linh theo đường tu học.

Trong vòng 9 ngày, nếu như nạn giả đã tuân thủ đúng giao ước “Chuyển Duyên” mà kết quả vẫn chưa có gì tiến triển tốt thì phải xin ý kiến chư vị. Nếu là ác nghiệp quá nặng, nạn giả phải hành thiện nghiệp, phước thiện đúng với Tâm hướng thiện không vọng cầu, dùng thiện nghiệp đó để bù trừ vào ác nghiệp kia. Dụng đến Pháp “Thu Ác Nghiệp Giải Trừ Nghiệt Chướng”

· Hành Pháp: “Thu Ác Nghiệp Giải Trừ Nghiệt Chướng”

Chỉ những hành giả Đạo Hiệu từ cấp 6 trở lên mới được phép hành Pháp này.

Dùng Tiêu Diêu Phiến và Thủ Linh Bát để thu phục các vong ám gây nên sự rối loạn gia đạo.

Nếu hành giả không có 2 Pháp Bảo này, có thể dùng 2 Linh Phù Pháp Bảo để mượn lực từ Tiêu Diêu Phiến – Pháp Bảo Thanh Phong Cung và Thủ Linh Bát – Pháp Bảo Hư Vô Cung để tiện việc hành sự.

Dùng Tiêu Diêu Phiến phát động Thanh Phong Tiêu Uế quạt 3 – 9 lần vào nạn giả và khu vực có vong ám.

Kế đến dùng Thủ Linh Bát phát động thu phục ám vong, ác linh, ám khí, tà khí, trược khí, ác nghiệp vào Thủ Linh Bát.

Thường xuyên tụng niệm Kinh, Chú và cầu nguyện để chư vong linh trong Thủ Linh bát được sớm an tịnh mà hồi đầu hướng thiện tu hành tinh tấn trong cõi vô hình, hoặc siêu thoát đầu thai kiếp khác.

Sau mỗi đợt 9 – 18 – 27 – 36 – 45 – 54 – 63 – 72 – 81 ngày, nếu như vong linh đã an tịnh thì mở Thủ Linh Bát để họ đi tu hành hoặc đầu thai kiếp khác.

Nếu sau hết 9 lần 9 là 81 ngày mà vong linh vẫn chưa an tịnh, còn bị bấn loạn thần thức hoặc tuyệt nhiên không muốn tu tập thì phải mở Thủ Linh Bát, tùy duyên hóa độ họ về sau, không được giữ lâu hơn.

* Quan trọng: Sau khi hành Pháp Sự liên quan đến vong ám, nhập, hù dọa thì phải nhớ “Phong Ấn” nạn giả, khu vực bị ám để không bị tái phát.

· Hành Pháp “Phong Ấn”:

Chỉ những hành giả giữ giới Thượng Thừa mới được phép dùng Pháp này để đạt hiệu quả tối ưu.

Họa Pháp Trận: “Ngũ Hành Trận”, bên trong có chữ Khí, quán Thiên Nhãn Thầy hộ trì gìn giữ. Pháp Trận này được họa ở Luân xa 4, 6, 7 và bao bọc toàn thân nạn giả, bao bọc toàn bộ khu vực bị ám.

Dùng tiếp “Chân Ngôn Mật Chú” để phát động “Phong Ấn” trên người nạn giả, khu vực bị ám

· Các bệnh lạ nguy hiểm:

Khi bệnh nhân đi khám bác sĩ Đông, Tây Y không tìm ra nguyên do căn bệnh.

Nhìn vào thần sắc của bệnh nhân, nếu thần sắc u tối, thiếu sinh khí, có biểu hiện lạ như: nói cười một mình, cảm xúc thay đổi thất thường, ăn uống quá độ liên tục không no, hay nói nhảm, cách xưng hô với người thân trong gia đình thay đổi bất thường.

Gặp những trường hợp này, cần phải có hành giả Đạo Hiệu từ cấp 4 trở lên để xác định có phải do vong ám hay do bùa chú thư ếm mà gây nên bệnh hay không. Khi xác định được rồi thì tùy khả năng mà hóa giải, tốt nhất nên mời hành giả có Đạo Hiệu cấp 6 trở lên để lo phương án giải quyết.

Mến chúc chư hành giả cùng thân quyến thân tâm an lạc, thường tinh tấn.


Chung

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *