Home Câu Trận

Câu Trận

Câu Trận

* Nguồn gốc

– Tôn danh Câu Trận có nghĩa là quý hiếm, một phần tử được tuyển chọn trong số đông.

– Câu Trận được hiểu là loài Linh Thú tinh anh xuất chúng trong các loài chiến mã, còn được gọi là Thiên Mã, có những tính chất đặc trưng tương đồng với Kỳ Lân Tộc và Long Tộc.

– Những chiến mã đã thức tỉnh tánh linh của mình, dũng mãnh, có ý chí, tinh thần mạnh mẽ, sức mạnh phi thường, lòng gan dạ, bền bỉ, sự trung thành, quả cảm sẵn sàng hy sinh anh dũng nơi chiến trận, được gọi là Câu Trận.
Các chiến mã ấy khi vong thân mạng, anh linh sẽ hóa thành Câu Trận thực thụ nơi linh giới.

– Các vị võ tướng, anh hùng chiến sĩ, chiến thần trong Tam Giới có lòng dũng cảm, quyết chiến đấu quên mình vì nhân nghĩa, có nguyện hành độ duyên chúng sinh ở các chiến trường, trận mạc… cũng hay thị hiện hình dáng Câu Trận.

* Hình dạng và các tính chất đặc trưng

– Câu Trận có phần đầu hơi giống rồng và hưu. Trên đầu có cặp sừng, có lông bờm dài, cặp mắt sáng như ánh sao. Khi chiến đấu, tiếng gầm của Câu Trận vang như sấm rền, cặp mắt phát hỏa quang rực rỡ áp đảo tinh thần, khiến đối phương trở nên yếu đuối do mất đi ý chí chiến đấu.

– Thân hình cao khoảng năm thước, toàn thân phủ một lớp vảy giáp cứng, gươm đao bất khả xâm phạm. Mỗi chiếc vảy thường to cỡ lòng bàn tay người. Khắp thân hình phát xạ ánh hoàng kim rực rỡ và hỏa quang lấp lánh.

– Bốn chân đều có đủ năm ngón, có móng vuốt sắc bén và cứng như kim cang. Mỗi khi di chuyển đến đâu, mặt đất đều chấn động rung chuyển. Có thể tạo nên các cơn địa chấn làm cho chiến trận của đối phương hỗn loạn tan tác.

– Phần đuôi dài, có lông bờm dày giống đuôi loài ngựa.

– Câu Trận thích chiến đấu bảo vệ kẻ yếu thế cô, bảo vệ nhân nghĩa.

– Là vị Linh Thú ở Trung Ương trong Hệ thống Ngũ Thần và Lục Thần, tượng trưng cho tính Thổ, nhưng Câu Trận còn mang cả tính Kim và Hỏa nơi mình. Hệ thống Ngũ Thần có Câu Trận gồm Thanh Long, Chu Tước, Bạch Hổ, Huyền Vũ, Câu Trận. Hình tượng vị Câu Trận thay thế cho Kỳ Lân ở Trung Ương thuộc hành Thổ.

– Câu Trận xuất hiện là điềm báo có dũng tướng quả cảm ra đời, các trận chiến diễn biến đến hồi quyết liệt và sẽ kết thúc sớm. Khi chiến trận kết thúc, Câu Trận sẽ rời đi.

– Trong văn hóa tín ngưỡng dân gian, Câu Trận không được nhiều người biết đến như Tứ Linh Thánh Thú. Chỉ những ai có hoạt động liên quan đến quân sự, chiến trường, hoặc chiêm tinh, bốc dịch mới biết đến vị Linh Thú này.

– Sơn Hải Kinh có nhắc đến Câu Trận là Thiên Mã trong các Thần Thú.

– Trong Kì Môn Độn Giáp, Câu Trận được khắc hình tướng trong Bát Trị Phù, tức là các các lệnh bài trong chiến trận, điều binh khiển tướng.
Bát Trị Phù gồm: Đằng Xà, Thái Âm, Câu Trận, Bạch Hổ, Lục Hợp, Huyền Vũ, Cửu Địa, Cửu Thiên.

* Câu Trận trong thần tích Việt Nam.

Ở Việt Nam, có câu chuyện cổ tích dân gian về Thánh Gióng ở làng Phù Đổng, Sóc Sơn.
Chuyện kể rằng khi giặc ngoại bang xâm lược, nhà vua cho sứ giả lan truyền tìm người tài đức ra sức giúp dân cứu nước. Lúc bấy giờ, ở làng Phù Đổng, có một cậu bé tên Gióng mới vừa lên ba, nghe tiếng kêu gọi của sứ giả loan tin liền nói với mẹ rằng:
“Mẹ ơi, xin nói với sứ giả tìm cho con một chiến mã tốt, một bộ giáp sắt tốt, một chiếc thương tốt, và nấu cho con một nồi cơm thật lớn nhé!”
Người mẹ thấy con mình mới ba tuổi đã nói những điều kỳ lạ, nên cũng mạo muội đến bẩm báo với sứ giả loan tin. Sứ giả thấy sự lạ, bèn về tâu vua. Vua nghe xong tin rằng đó là vị anh hùng thần đồng nên liền cho người tìm thợ rèn đúc cho thần đồng ấy đúng như ý nguyện. Chỉ ít ngày sau, chiến mã, bộ giáp, cây thương tốt nhất và cả nồi cơm thật lớn đều được đưa đến nơi cậu bé. Cậu bé ba tuổi ăn hết nồi cơm lớn, liền bỗng chốc lớn nhanh như thổi, biến thành chàng trai lực lưỡng cao lớn chừng hơn hai thước. Gióng khoác bộ giáp, cầm vũ khí và đến bên chiến mã vỗ vài cái, chiến mã ấy liền gầm lên một tiếng, biến hóa thành một chiến mã to lớn, toàn thân phủ giáp sắt, uy phong dũng mãnh vô cùng.

Gióng lên chiến mã, từ biệt mẹ già lên đường chiến đấu chống giặc ngoại xâm. Chỉ trong một thời gian ngắn, Gióng đã anh dũng đánh đuổi được toàn bộ quân địch khỏi bờ cõi nước Nam, dùng sức một người địch ngàn vạn quân binh.
Dẹp giặc xong, Gióng cưỡi chiến mã về trời, hướng về phía núi Sóc thăng thiên.

Từ đó về sau, Gióng còn được dân gian tôn kính gọi là Thánh Gióng, là Thiên Tướng giáng trần cứu dân.

– Trong câu chuyện trên, cậu bé ba tuổi kia là do một vị chiến thần giáng trần để cứu độ muôn dân thoát khỏi nguy hiểm.

– Dẹp xong giặc, Thánh Gióng cưỡi ngựa về trời chính là vị thần tướng ấy đã dùng thọ mệnh của mình, dồn hết thần lực của một kiếp sanh vào một thời khắc ngắn ngủi mang tính quyết định sự tồn vong của đất nước. Sau khi xong việc thì cả người lẫn ngựa đều kiệt sức hy sinh thân mạng của mình.

– Chiến mã lúc ấy, khi được vỗ vài cái liền thức tỉnh tánh linh, biến thành hình dạng Câu Trận cùng xông pha chiến trường với Thánh Gióng.

* Cách thức giao tiếp, cảm ứng với vị Câu Trận

– Khi Câu Trận thị hiện hình tướng cụ thể, hữu hình nơi Hạ Giới. Chỉ những ai có lòng dũng cảm, gan dạ, sẵn sàng hy sinh vì nhân nghĩa quên mình mới có thể tiếp cận một cách bình yên và được vị ấy bảo hộ, trợ duyên. Những ai có lòng tà tâm, bất chánh, tự cao ngã mạn thì sẽ bị khó chịu ngột ngạt, chẳng thể tiếp cận được vị Câu Trận.

– Khi Câu Trận ở dạng linh thể vô hình, có thể tương tác, giáng điển trợ duyên, khiến cho các chiến mã lẫn tướng sĩ, quân binh đều được tăng cường ý chí, tinh thần chiến đấu dũng cảm, mãnh liệt, gan dạ chẳng hề sợ sệt trước cường địch hay cái chết chực chờ.

– Người chiến sĩ anh hùng, chiến mã có tâm tình, ý chí mãnh liệt tương ứng với tính chất của Câu Trận có thể cảm ứng, cầu nguyện với vị ấy và chiêu cảm vị ấy đến độ duyên để giải quyết chiến trận sớm được kết thúc.

* Câu khấn nguyện với vị Câu Trận

Nam Mô Cửu Thiên Cảm Ứng, Câu Trận Dũng Mãnh Đại Thần Uy Đức An Thế Từ Tôn.

Nguồn: Tam Giới Toàn Thư

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *