Home Chân hồn – Vong linh – Anh linh

Chân hồn – Vong linh – Anh linh

Chân hồn – Vong linh – Anh linh

Nguồn gốc

Khi một người, vật chết đi, tức là thân xác tắt thở, kết thúc sự sống nơi thế gian hữu hình. Hai phần hồn còn lại là trí và linh thì luôn đi chung với nhau, có hình dáng y khuôn như thể xác lúc còn sống trước khi chết. Cả hai phần này được gọi chung là chân hồn, vong linh hay anh linh.

* Sự khác nhau giữa ba từ ngữ trên

Chân hồn chỉ về sự tồn tại chân thật của phần hồn. Phần xác thì giả tạm do tứ đại hiệp thành, hết duyên thì tan, trở về cát bụi. Duy chỉ có phần hồn chân thật thì còn mãi.

Vong linh, âm linh chỉ về phần hồn đã mất đi phần thân xác hữu vi.

Anh linh, hương linh chỉ về khả năng phi thường của phần hồn, do đã bỏ đi phần xác phàm trần hữu hạn chịu các giới hạn của vật chất. Đây còn là phần hồn có sự tu tập tinh tấn nhất định, hoặc có phẩm vị cao trọng nơi cõi vô hình.

Hình dạng, tính chất đặc trưng

Khi còn sống có ngộ tính, tri thức, tính cách, dung mạo, hình dáng như thế nào thì khi chết đi, Vong linh sẽ mang đầy đủ các đặc tính y như thế ngay thời điểm lúc thân xác vừa mới chết. Khi còn sống, nếu phần thân xác khiếm khuyết tay chân, hoặc không may bị tai nạn mà vong thân, lúc bấy giờ vong linh cũng thị hiện thân ảnh không còn lành lặn như thế. Thế nên có những trường hợp vong linh Chiến Sĩ cầm đầu của mình đi lang thang đòi mạng là vậy.

Vong linh chỉ thay đổi hình dạng, dung mạo, tính cách, tri thức, ngộ tính của mình cho tinh tấn hơn khi có thể Định Tâm được, hay còn gọi là Ngưng Thần thanh tịnh, tức để cho phần linh hồn dẫn dắt phần trí hồn hướng về Chân Thiện Mỹ. Hoặc vong linh cũng có thể trở nên bất thiện hơn so với lúc thân xác vừa mới chết.

Khi thân xác dần bị phân hủy, côn trùng, vi khuẩn bắt đầu ăn xác, lúc đó vong linh cũng thị hiện hình ảnh như thân xác đang bị phân hủy ấy. Do các sợi dây liên kết giữa thân xác cùng với thần trí vẫn còn tồn tại, nên vong linh sẽ cảm nhận được rõ ràng nỗi đau của thân xác đang dần tan rã.

Thiêu xác giúp cho cảm giác đau đớn ấy được rút ngắn lại, chỉ đau một lần lúc thiêu xác rồi thôi. Nếu thân xác không được thiêu, vong linh phải trải qua nỗi đau từ thân xác đã chết đang phân hủy. Chúng ta có thể nương nhờ vào điển lực thiêng liêng của những bản kinh cầu siêu, hoặc năng lực chữa lành thân tâm của các pháp sư có định lực cao, thân tâm thanh tịnh để lan tỏa đến vong linh. Khi ấy, vong linh sẽ bớt đi phần nào những đau đớn khổ sở mà dần trở nên tịnh lặng.

Vong linh không sợ ánh sáng ban ngày như phim ảnh, tích truyện hay đề cập. Họ vẫn đi giữa trưa nắng ngoài đường và thị hiện cho một số người đủ duyên, hợp năng lượng có thể nhìn thấy. Chỉ một số vong linh có thói quen ở nơi u tối thì họ không thích ra nơi có nắng sáng mà thôi.

Vong linh có thể tương thông giao tiếp với người sống bằng tâm thức trực tiếp, hoặc gián tiếp tác động ý niệm lên một cá thể để người đó làm, nói theo ý của mình. Vong linh có thể nhập hồn vào thân xác của người có dòng ý niệm tương ứng với họ, từ đó mượn xác thân hữu hình đang sống để giao tiếp với thế giới xung quanh.

Người ta hay nhìn thấy người thân của mình về nói chuyện, thấy được hình ảnh như người thật tuy có hơi mờ mờ ảo ảo, có khi thấy trong mơ. Đó chính là sự thấy biết vong linh, chứ không phải gặp ma. Nhưng từ ma lại được dùng quá rộng rãi và phổ biến, thế nên người ta đã đồng hóa ma với vong linh, thành ra gọi là hồn ma.

Nguồn: Tam Giới Toàn Thư

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *