Home Chuyện hai thiếu niên mất ở ao nhỏ

Chuyện hai thiếu niên mất ở ao nhỏ

Chuyện hai thiếu niên mất ở ao nhỏ

Đây là câu chuyện có phần nặng nề về việc hai em nhỏ mới mất, dẫn duyên độ hồn cho hai em ấy.

Nếu không có nhiều thời gian, không thể xem hết thì không nên xem ạ.

…………………..

Em A và B là hai chú cháu ruột, nhưng cả hai cũng trạc tuổi nhau, một em lớp 7, một em lớp 8, chơi chung nhau khá thân. Tôi được Thanh Quang chia sẻ về hoàn cảnh của hai em ấy vừa mất chừng hai tuần do chết đuối dưới ao. Cả hai gia đình đều rất đau đớn bàng hoàng. Có vài sự lạ diễn ra nên họ cần giúp đỡ về phương diện tâm linh.

Hôm ấy chúng tôi ghé thăm gia đình em A. Tôi đến chỗ bàn thờ của em xem tình hình thì hoàn toàn không thấy có chút khí lực nào của em ấy. Bàn thờ lạnh tanh dù nhang khói và đèn đóm nghi ngút. Tôi ra nói với Thanh Quang:

“Em ấy không có ở nhà này, bàn thờ trống trơn à.”

Bố của em rót trà mời chúng tôi, rồi ngồi tâm sự.

“Hai đứa nó vẫn thường hay đi chơi chung với nhau. Hôm ấy hai chú cháu đi câu cá, chỗ ao ấy nằm ngay chỗ ruộng ngô. Lúc ấy người qua lại hái ngô, đi đường cũng có chứ không phải là vắng. Lúc người ta về thì người ta kêu hai đứa về đi đừng ngồi đó câu nữa. Loay hoay một hồi, chừng 5-10 phút à người ta không thấy hai đứa nữa, mà thấy dép tụi nó để nga bờ. Người ta chạy vòng vòng kiếm thì thấy thằng A nổi lên trên mặt nước. Có người xuống vớt lên thì đã muộn rồi. Còn thằng B thì người ta phải lặn xuống dưới tìm kiếm một lúc thì mới vớt xác lên được.

Ao đó sâu nhất chắc chừng 2 thước hơn, nhưng có dốc thoai thoải. Tụi nó đều biết bơi cả. Việc tụi nó chết đuối thiệt tình là vô lý lắm, không tin được.

Từ hôm nó mất, nhà tôi trống vắng lắm. Ở nhà cũng có đi nhờ thầy cúng, thầy bói, thầy chùa đủ hết để làm lễ kéo hồn em nó về. Lần đầu thì lúc tụi nó mới mất, mà làm xong tôi vẫn không thấy yên lòng, cứ cảm thấy là chưa được. Vì ở đây thì tập tục lâu đời nay là người chết đuối muốn kéo hồn về phải có hình nhân thế mạng cúng đốt xuống chỗ nước đó mới được. Rồi lần sau thì tôi có mời thầy cúng về làm đủ lễ đốt hình nhân xong rồi, tôi mới thấy yên lòng, không còn cảm thấy bất an nữa.

Rồi bữa giờ nhà cũng đã dần chấp nhận việc không có nó rồi. Tôi mới bảo má nó chắc dẹp bàn thờ và hình ảnh của nó, rồi chờ cúng đủ trăm ngày thì đưa ảnh cháu nó lên thờ chung với gia tiên luôn. Chớ giờ nó mất vậy rồi mỗi ngày tôi đi ra đi vô thấy bàn thờ nó, hình nó là tôi lại đau xót không chịu nổi, cứ nhớ, cứ thấy ức và khó chấp nhận được.”

Chú tâm sự nhiều với chúng tôi, dù cố gắng dằn lòng nhưng trong giọng nói của chú đầy nỗi uất nghẹn, mắt thì cú rưng rưng như muốn chực trào mà cố gắng kìm nén. Thấy chú và gia đình như thế nên tôi cũng im lặng, để tự mình giải quyết vấn đề của em nó thôi chớ giờ mà nói thêm vô là hồn em nó chưa về được, cần phải làm phép gọi về thì gia đình lại muộn phiền không an thì bao giờ mới yên lòng vượt qua nỗi đau đớn ấy được. Chúng tôi an ủi cô chú, rồi cùng chú đi qua bên nhà của em B. Chú là em ruột của ông nội em B.

Ghé đến nhà em B, chúng tôi gặp bà nội của em cùng với cha mẹ em. Ngồi tâm sự thì bà nội của em chia sẻ nhiều điều, cô kể:

“Lúc trước khi hai chú cháu nó chết, có lần tôi đi xem bói thì được nói là gia đình sắp có hai người mất. Tôi sợ lắm, buồn lòng lắm, cũng có cầu nguyện với ơn trên rằng nếu quả thật duyên số không tránh khỏi thì thôi mất một đứa thôi. Chú hay cháu thôi chứ đừng mất một lúc hai đứa như vậy. Nỗi đau nhân đôi như thế thật khó tưởng tượng nổi. Nhưng rồi tôi được tin cả hai đứa bị chết chìm. Ôi… Dù được biết trước rồi nhưng cũng không tránh khỏi bàng hoàng.

Thường ngày thì tôi với má nó cũng làm việc nhà rồi nó đi học về thì chơi với bà và má.

Lúc nào không đi học ở nhà thì cũng có nói chuyện chơi đùa với nhau, đi ra đi vô nghe tiếng cháu cũng vui.

Giờ nó không còn, hai má con cứ lẫn thẫn đi ra đi vào làm việc gì cũng thấy nhớ nó, không tập trung làm gì được cả.

Hôm rồi ba nó cũng có nghe thấy nó mấy lần nè.”

Nói tới đó, cô ngồi im lặng một chút. Ba của em B mới kể:

“Thiệt là nào giờ mình cũng không có nghĩ nhiều mấy chuyện vong linh. Cho tới khi con mất, mình nằm ngủ gần chỗ bàn thờ nó. Thì tối đang ngủ cái mình nghe kêu là bố ơi dọn lại đồ cho con. Lúc đó mở mắt ra thì thấy bánh kẹo, đồ cúng bị xáo trộn quá nên mình dọn lại cho gọn gàng. Vậy rồi ngủ ngon.

Có lúc thì đang nằm ngủ trên giường cái cảm thấy có luồng gió lạnh thổi ngang trên mình. Rồi cảm thấy rõ có dòng khí lạnh bên cạnh mình. Mình nghĩ chắc là con nó leo lên giường ngủ kế mình. Nên thôi cũng nằm đó chứ không dậy làm chi cả.”

Bà nội của B lại nói thêm:

“Hôm rồi lúc sự việc xảy ra, có người nói nhà tôi do xây dựng mà không xem ngày giờ cho đúng nên bị như vậy. Không biết có đúng không?

Từ bữa giờ nhà tôi cũng không dám xây tiếp, vẫn còn chần chừ dang dở…”

Toi chia sẻ với cô:

“Dạ thực ra thì việc phong thủy cũng đơn giản là sắp xếp sao cho công việc của mình được phù hợp với thời tiết và lòng người thấy an vui với các sự xây dựng, bày trí. Cụ thể như là trời mưa thì người bán áo mưa, bán dù sẽ thấy vui thích còn người đi đường bình thường sẽ không thích. Hay việc mình xây cái nhà mà tự nhiên trồng cái cây ngay trước cửa ra vào, thì hiển nhiên đi ra vô bất tiện sẽ gây khó chịu vậy.

Cho nên nói có ảnh hưởng thì có, nhưng chỉ là một phần tác động thôi. Chuyện mấy em nó mất không phải do xây nhà không xem ngày giờ đúng mà bị đâu ạ. Nhà mình đang xây dựng thì cứ xây cho xong nhe cô.”

“Cậu nói vậy thì tôi yên tâm rồi.

Để bố cháu tiếp tục việc đó cho xong vậy.”

Mẹ của em B lúc này cũng nói:

“Thiệt là từ bữa giờ tôi cũng chưa chấp nhận được chuyện nó đi vậy… Vẫn còn bàng hoàng lắm.

Giờ đi ra đi vô trong nhà cứ thấy trống trải, không còn cảm xúc, không còn tâm trạng gì để sinh hoạt được như trước…

Tôi thì không thấy hay cảm thấy gì được như bố cháu, chỉ thấy trống vắng và không còn cảm xúc gì với cuộc sống thôi…”

Chị nói chuyện với chúng tôi nhưng mắt chị thất thần, có chút rưng rưng, giọng nói bị ngưng trệ cắt quãng… có lẽ chị cũng đã khóc cạn nước mắt mất rồi. Nỗi đau của người mẹ mất con không cách gì diễn tả được sự mất mát ấy. Bà nội của cháu lại tiếp lời:

“Sau khi hai chú cháu nó mất, tôi cũng có đi coi thầy để gọi hồn về. Cháu nó có về nhập xác được rồi nó kể lại là:

‘Chú A còn kẹt ở ao, có mình con về được lúc người ta vớt xác con lên thì con còn theo xác về nhà. Nên giờ con cũng thường xuyên ra chơi với chú, mà chú không về được, con cũng không biết vì sao chú không về nữa.’

Sau khi đi như vậy thì nhà chú nó mới tìm thầy làm cho đúng phép là có việc cúng lễ đốt hình nhân thế mạng chỗ ao, thì nhà mới yên tâm.

Rồi việc trùng tang nữa, nghe người ta nói gia đình có người mất trùng như vậy nguy hiểm lắm, cần cúng giải hạn này kia mới bình yên được không thôi vong linh về bắt hồn người nhà… Tôi không biết làm sao hết.

Tôi thì có đi sinh hoạt ở chùa làng, ở đạo tràng mọi người cũng cầu nguyện tụng kinh cho cháu nó được sớm siêu thoát.”

“Dạ chuyện không vui xảy đến ngoài ý muốn của mọi người tỏng hai gia đình. Nhưng mà thôi thì việc cũng đã xảy đến rồi, giờ chúng ta cần làm là đối diện, chấp nhận và sống như thế nào để bản thân mình được bình yên trong lòng. Đồng thời mình cố gắng ăn chay, giảm sát nghiệp nhiều nhất có thể và thường làm các việc thiện lành, bố thí tài vật hay công sức giúp đời, phóng sinh cứu vật là việc cần làm. Có thể tụng kinh cầu siêu, cầu an cho gia đình cũng tốt ạ.

Chúng ta mất người thân, nỗi đau đó mình rất khó khăn để đối diện và vượt qua nó.

Muôn loài cũng giống như chúng ta vậy.

Tụi nó cũng có gia đình, có cha mẹ vợ chồng con cái. Nếu vì một bữa ăn của mình mà sát mạng sinh linh, thì mình gieo nỗi đau đớn cho con vật ấy và cả thân tộc của nó đều đau đớn vậy. Mà đau đớn thì phát sinh oán hận. Oán hận ấy sẽ theo mình mà đòi nợ máu. Nên chúng ta cố gắng đặt mình vào hoàn cảnh của muôn loài thì tự nhiên sẽ có thể ăn chay làm lành lánh dữ mà chuyển duyên giải nghiệp của mình được ngày càng bình an, tinh tấn nhe cô.

Trước mắt có thể tập dần việc ăn chay từ một ngày trong tuần, rồi lên hai ngày, ba bốn ngày, cứ vậy tăng dần cho đế khi ngày nào cũng là ngày chay thì sát nghiệp của mình với muôn loài cũng giảm được nhiều lắm.

Trùng tang là nhà có tang cùng một khoảng thời gian gần. Việc này cũng là việc tự nhiên thôi ạ. vì thời buổi phương tiện giao thông hiện đại việc mọi người cùng đi chung, vận chuyển, ở cùng chung chỗ với nhau rất đông. Nên lỡ có chuyện không hay xảy đến như là tai nạn, bệnh tật… rồi người ta mất thân mạng cùng lúc với nhau thì cũng là những nhân duyên nghiệp quả của cộng nghiệp cùng sinh hoạt với nhau thôi. Mình hướng thiện, sống lành và từ bỏ việc bất thiện là tự nhiên chuyển hóa đời mình trở nên thiện lành hơn vậy.”

“Dạ chú nói vậy thì chúng tôi nghe vậy. Tôi sinh hoạt ở đạo tràng thì cũng được thầy hay nhắc việc ăn chay làm lành lánh dữ, sống lương thiện.

Lớn tuổi rồi, cũng đâu còn phải tranh hơn thua gì với đời, nên giờ làm sao thấy an lòng mỗi ngày là quý.

Chuyện người đầu bạc khóc trẻ như vầy, thực đau lòng quá các chú ạ…”

“Dạ cô và mọi người trong hai gia đình cố gắng vượt qua nỗi đau mất mát này nhe.”

“Vâng, cảm ơn chú đã dành thời gian ghé đến đây thăm tụi tôi.”

Chúng tôi tạm biệt cả hai gia đình. Ba của em B dẫn chúng tôi đến chỗ ao nước ấy để xem cho biết tình hình, có cần làm gì thêm để nơi ấy được bình yên.

Khi đến nơi, nhìn ao nước khá cạn chúng tôi cũng ngạc nhiên. Bố của em B nói là:

“Ao nước này vốn dĩ để mọi người tưới cây nơi ruộng đồng này. Rồi có người đến lấy cát đất nên riết nó bị trũng ngày càng sâu và dốc lài nguy hiểm hơn trước.”

Tôi nhìn một lượt thì thấy linh khí ở đây âm u lạnh lẽo, thiếu khí thiêng của chư vị Chánh Thần. Cảm thấy ở đây từng có vết tích của đền miếu nhưng nay đã không còn nữa. Tôi tìm kiếm một lượt thì nhìn thấy hồn em A đang ở trên ao, ngồi đó thu lu buồn bã. Trong tâm cảm của em chỉ nhìn thấy quanh mình là nước chớ không thấy cảnh vật hay đường đi chi cả nên chưa về nhà được.

Em A đã hồn lìa khỏi xác lúc xác dưới ao, nên hồn ấy mang chấp niệm vướng mắc mình bị kẹt dưới ao, quanh mình là nước nên không đi đâu được hết. Khi xác em A nổi lên, người ta thấy rồi vớt đưa về là cái xác không hồn.

Em B lúc mất là hồn xác đều còn ở dưới ao, hồn chưa rời khỏi xác. Người ta lặn xuống tìm kiếm vớt được xác là hồn theo xác về được nhà luôn.

Tuy cùng chung nghiệp câu cá, té ao mất, nhưng một em xác nổi lên được vớt và một em xác còn chìm được tìm kiếm vớt lên thì nghiệp chuyển sinh của hai chân hồn ấy đã khác biệt lắm vậy.

Tôi kêu gọi hồn phách em A theo tôi, tôi đưa về nhà nơi có bàn thờ em mà lúc sáng tôi đã ghé qua và ghi nhớ vị trí ấy.

Xong việc của hai em thì tôi có mời một Thạch Tử đến nơi ấy trấn giữ, giúp nơi ấy được linh khí bình yên hơn không bị ám khí loạn động. Sau đó lại đánh thức linh tánh của một cây Sanh nơi ao để nơi này tăng thêm linh khí, dương khí, và Thạch Tử ấy cũng không phải cô độc trơ trọi giữa nơi đầy ám khí.

Xong việc, tôi lại hỏi thăm bố của em B, thì được cho biết:

“Gần ngay gốc cây Sanh ấy trước đây chính là một ngôi đình miếu nhỏ. Địa chủ khu đất này xây lên cho người làm ruộng mệt thì tới đây có cái nhà mát nghỉ ngơi. Nhưng rồi chuyện không hay xảy đến, nơi này bị cháy và hoang phế, giờ còn lại cái nền và mấy khúc tường đổ nát. Đồ cúng vương vãi trên đất chỗ tường đổ là vết tích mấy hôm trước hai gia đình tới đây làm lễ cúng vớt hồn hai đứa nè.”

Chúng tôi tạm biệt bố của em B với lời cầu chúc cho hai gia đình được bình yên, vững tâm vượt qua sóng gió lần này. Công việc của anh và bố của A là làm xây dựng, hai người cứ làm như trước đây thôi chớ không nên nghe người ta nói lung tung rồi ảnh hưởng tới cuộc sống thường nhật. Quan trọng nhất vẫn là khi đối diện với tai nạn không hay xảy đến, chúng ta có tâm tình ra sao, thay đổi được gì, giữ gìn điều gì để tâm thân mình có thể được bình yên, vượt qua những đớn đau của mất mát vô thường.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *