Home Cô Hồn

Cô Hồn

Cô Hồn

Nguồn gốc

Cô Hồn là một thành viên thuộc Ngạ Quỷ Bộ. Đây là những chân hồn cô độc, lang thang vất vưởng khắp nơi chẳng biết đi đâu về đâu, chẳng nơi thân thích.

Cô Hồn có nguồn gốc xuất thân từ những dạng tồn tại sau đây:

+ Những người lúc còn sống nơi thế gian không bà con, họ hàng, con cháu. Khi chết đi một mình, hàng xóm bạn bè lại quên lãng họ, chân hồn của họ cô đơn tủi phận nên hóa thành Cô Hồn.

+ Những người khi còn sống thường làm những việc bất thiện, gây tổn hại cho chòm xóm láng giềng. Lại mất niềm tin vào xung quanh, chỉ luôn cảm thấy mình tin được chính mình, tự mình cô lập bản thân với thế giới quanh mình. Những người như thế, khi mất đi thân mạng, gia đình, người thân chẳng thường tưởng nhớ, lãng quên họ theo thời gian. Điều đó khiến cho tâm thức họ càng thêm tủi phận, cảm thấy cô đơn lạnh lẽo vô cùng nơi Trung Giới. Vậy nên họ lang thang phiêu bạt, mong muốn tìm được chút hơi ấm tình người quan tâm đến họ.

+ Chúng sinh hữu tình, gặp phải nhiều việc bất thiện xảy ra trong cuộc sống, làm cho chúng sinh ấy cảm thấy bị bỏ rơi, bị quên lãng. Khi chúng sinh ấy mất đi thân mạng trong cô độc, có thể trở thành Cô Hồn phi nhân.

* Một số trường hợp về Cô Hồn phi nhân

Các loài vật nuôi đã từng được yêu thương, gắn bó gần gũi với chủ của mình. Cuối đời lại bị chủ hắt hủi, bỏ rơi trong quên lãng. Các sinh vật ấy nếu thọ mạng chưa dứt thì khi chết vì buồn tủi, bệnh tật, tai nạn… chân hồn thường trở thành Cô Hồn lảng vảng nơi mình đã bỏ thân mạng. Khát khao có ai đó quan tâm đến mình như lúc mình đã từng được người chủ yêu thương…

Nếu loài vật đã từng có chủ nuôi yêu thương, lại bị chủ vứt bỏ, bị giết mạng, ăn thịt, chân hồn ấy cũng ít khi nào oán hận, chỉ là bi thương, tủi phận và lang thang tìm kiếm tình thương.

Các món đồ vật, hay cây cối đã từng được yêu thương chăm sóc rất nhiều, sau một thời gian tánh linh vật ấy đã thức tỉnh, tâm tình có cảm ứng với thế gian hữu tình. Lúc bấy giờ, người chủ đã từng yêu thương lại lãng quên chúng, hoặc vứt bỏ chúng không thương tiếc do cảm thấy không cần, hay đã có thứ khác làm mình thích thú hơn. Lúc bấy giờ, nếu cây cối ấy bị chết, hoặc đồ vật ấy bị hủy hoại tan nát thì xem như chết thân mạng. Chân hồn vật chất và thảo mộc ấy cũng lảng vảng nơi thân mình từng bị tiêu hủy, buồn bã cô độc, có thể khiến cho những ai đến gần thì cũng chịu tác động những tâm tình nặng nề như thế.

Tất cả các Cô Hồn phi nhân, nếu đủ duyên, hoặc tự buông xả chấp niệm bị bỏ rơi phải chết trong cô độc thì có thể chuyển sinh sang dạng khác. Nếu gặp những đồ dùng vật chất, hoặc cây cối khác đang sinh sống nơi mình đang tồn tại, họ cảm thấy có thể tương tác, cùng nhau sinh tồn thì sẽ nương tựa, tá nhập vào đồ dùng, cây cối ấy để tiếp tục cùng sinh tồn, chờ ngày đủ duyên thì chuyển sinh.

Hình dạng, tính chất đặc trưng

Cô Hồn loài người thường thị hiện hình dáng nam tử, nữ nhân, với thân ảnh ốm đói yếu ớt, bụng hơi phình to, quần áo rách bươm, trông khổ não vô cùng. Cô Hồn phi nhân thì thị hiện thân ảnh giống với thân mạng lúc còn sống nơi thế gian, trông ốm yếu, xanh xao nhợt nhạt.

Các Cô Hồn lang thang khắp nơi, chỉ cần cảm thấy nơi nào có chút hơi ấm của tình thương, của sự quan tâm, nghĩ tưởng về họ thì họ sẽ được thu hút đến đấy. Đây là dạng Ngạ Quỷ khao khát lòng thương xót, tưởng nhớ, quan tâm. Tâm thức của họ thường cảm thấy lạnh lẽo, cô độc và có một chút đói khát, thèm muốn được ăn no, mặc ấm.

Tùy vào mức độ chấp niệm của tâm thức vào việc như thế, Cô Hồn khi được người khác tưởng nhớ, cúng thí thực, hay chỉ đơn giản là trì kinh niệm chú với lòng thương xót muốn độ duyên cho họ, họ liền cảm ứng, hoan hỷ vui mừng vô cùng, từ đó mà cảm thấy bớt đau khổ, bớt lạnh lẽo.

+ Nếu Cô Hồn nào cảm thấy đủ, thì tự nhiên chuyển sinh thành dạng tồn tại khác an lạc hơn, hoặc đi đầu thai chuyển kiếp nơi cõi giới hữu hình.

+ Bằng không vẫn chưa thấy đủ, họ tiếp tục bám chấp vào các đau khổ của việc thiếu tình thương. Nếu cứ thấy thiếu hoài, thiếu hoài, chẳng bao giờ cảm thấy đủ, thì họ sẽ mãi là Cô Hồn Ngạ Quỷ lang thang vất vưởng có khi trăm năm đến ngàn năm vẫn chưa chuyển sinh được.

Những trường hợp này, chỉ khi nào may mắn gặp được người có tâm từ bi bao la quảng đại, lại có an lạc khí mãnh liệt, khi đó tự nhiên Cô Hồn cảm thấy ấm áp, an lạc không còn thiếu thốn nữa. sẽ được giải thoát khỏi thân phận Cô Hồn, chuyển sinh sang dạng tồn tại khác.Quan niệm sai lầm về Cô Hồn trong dân gian

* Việc cúng thí thực cho Cô HồnỞ Việt Nam và Trung Hoa, dân gian thường hay cúng thí thực cho Cô Hồn vào các ngày âm lịch như mùng 1, 2, 15, 16. Do quan niệm dân gian nghĩ rằng 4 ngày kể trên là các ngày đặc biệt, âm linh thường đi ra đường nhiều nên cúng để không bị họ quậy phá.

Việc này không đúng.Vì âm linh lang thang khắp nơi, ngày nào cũng vậy, chẳng riêng biệt ngày nào họ đi ít, ngày nào họ đi nhiều. Người nào có điều kiện thuận lợi, thực tâm nghĩ đến Cô Hồn, thương xót, muốn bố thí để an ủi phần nào những đau khổ bi thương của họ và gieo duyên lành thì mỗi ngày đều nên cúng thí thực, giản tiện thôi không cần cầu kỳ lễ vật chi nhiều.Việc này mỗi ngày một ít, cũng là công phu thiện hành. Chỉ cần thực tâm gieo duyên lành, thuần túy quan tâm và chia sẻ đến các Cô Hồn, chẳng mong cầu phước báo đến với mình, chẳng nghĩ rằng mình đang làm việc thí thực là đang tích phước, thì phước báo ấy chẳng thể nghĩ bàn. Đời sống của người đó tự nhiên được an lạc.

Người cúng thí thực nếu tâm tình không thực sự quan tâm đến Cô Hồn, mà là sự mong cầu đổi chác, cúng để được buôn may bán đắt, thì chỉ chiêu cảm thêm những âm linh có lòng tham, ích kỷ giống mình đến gần mình. Cuộc sống người ấy cũng dễ xảy ra thêm nhiều việc không hay do các âm linh bất thiện ở gần mình quá nhiều.

Cúng thí thực là điều tốt, khi thực sự người làm việc ấy có tâm tình thương cảm, quan tâm đến các Cô Hồn lang thang vất vưởng. Chỉ cần một trong các món như chén nước, chén trà, nén hương, ít bánh hay chén cháo trắng cũng là quý báu. Người cúng thí thực bày đầy bàn những món ngon vật lạ, mà lòng chẳng thực nghĩ đến việc bố thí, chỉ mong được phước báo về mình thì vô nghĩa lắm vậy.

Việc cúng thí thực càng giản đơn mộc mạc càng tốt, để tránh vướng vào nghiệp hoang phí. Chỉ nên cúng đồ chay, hoa quả, bánh ngọt, trà nước nhẹ nhàng. Không nên cúng heo quay, thịt cá các loại… dính vào sát nghiệp, dù cho có thực tâm bố thí nhưng lại sát mạng, gây đau khổ cho kẻ khác thì việc thí thực ấy cũng là bất thiện. Lúc đó các âm linh Cô Hồn lại chịu ảnh hưởng cộng nghiệp bởi sát nghiệp người bố thí gây ra vì muốn bố thí cho họ, chỉ có hại chứ không lợi ích chi cho các âm linh lẫn bản thân người bố thí.

Các vật thực, đồ cúng sau khi cúng xong thì tuyệt đối không đổ bỏ rác. Vì âm linh chỉ cảm nhận tâm tình quan tâm của người cúng, rồi họ thấy an lạc, chứ đâu có ăn uống gì đâu vật thực, nên đồ dùng ấy người cúng ăn được thoải mái không ảnh hưởng chi cả. Chỉ tránh việc bị bụi hay tàn nhang vấy bẩn thì gạt bỏ phần ấy ra, có thể cho các con vật khác dùng cũng được.

* Tháng Cô Hồn, tháng 7 âm lịch

Dân gian có nhiều người quan niệm tháng 7 âm lịch là Tháng Cô Hồn, điều này không đúng.Về khí âm dương, trong mỗi tháng sẽ có những ngày khí âm thịnh, khí dương suy yếu và ngược lại có những ngày khí dương thịnh, khí âm suy.Các ngày trong tháng có khí âm thịnh là 3, 7, 13, 18, 22, 27 âm lịch. Sáu ngày này còn được gọi là ngày Tam Nương. Những ngày này, do âm khí nặng, nên tinh thần người ta dễ bị trì trệ, cảm thấy không thoải mái, cho nên khi giao tiếp dễ xảy ra xung đột, bực bội. Không nên khởi tạo, gặp gỡ giao tiếp mang tính chất bàn công việc, ráng giữ sức khỏe tốt nếu lỡ bị cảm mạo sơ sơ mà vào mấy ngày này thì bệnh dễ trở nặng. Do vậy người ta xem như là ngày không may, không vui.Các ngày trong tháng có khí dương thịnh là 9, 12, 15, 19, 24, 29. Sáu ngày này mình thường chọn dùng làm các ngày khai trương, khởi tạo, tân gia, động thổ, gặp gỡ giao tiếp. Các ngày còn lại thì âm dương cũng bình bình, hơn kém nhau thay đổi thường xuyên, không có sự chênh lệch quá nhiều.Tháng 7 cũng như các tháng khác, không có gì hơn hay kém cả.

Cũng có người nghĩ Tháng 7 Cô Hồn nhiều, do Địa Ngục ân xá nên họ lang thang nhiều là không đúng.Vì làm gì có Địa Ngục mà ân xá.Chỉ là các âm linh khi còn sống có những tâm tình rung động về tiêu cực, tội lỗi thì họ thường tập trung lại với nhau ở các cõi giới đầy rẫy ô trược và tội ác. Ma cũ ăn hiếp ma mới, người ta xem đó là Địa Ngục. Những nơi ấy là đầy rẫy những đau khổ bởi chấp niệm, bởi tranh đấu, giành giật, thì gọi là Địa Ngục, chỉ vậy thôi.Có một số cõi giới, do các nhóm, hội, tổ chức nơi vô hình thường hay bắt các âm linh làm âm binh cho họ, cũng được hiểu là Địa Ngục. Tất nhiên, cũng có nhân duyên nghiệp quả với nhau cả.Việc lo sợ tháng 7 Cô Hồn nhiều, nhiều chuyện xấu của rất nhiều người mang chấp niệm như vậy, cho nên tự họ chiêu cảm những việc không hay đến với họ.

Do vậy đừng nên tự huyễn hoặc mình rồi lại than trách về tháng 7 Cô Hồn. Tháng 7 lo việc cúng kiếng, nhớ ơn tổ tiên ông bà, làm nhiều việc thiện lành, lánh điều dữ là nên làm, nên giữ. Và nên làm thường xuyên suốt cả năm, cả đời chứ không riêng gì tháng 7.

Cô Hồn thì ngày nào cũng có rất nhiều, họ lang thang vất vưởng khắp nơi, lẫn lộn, chung đụng với đời sống vật chất tinh thần của con người. Cho nên nếu ai có lòng thương xót, đoái hoài tưởng nhớ đến các âm linh cô độc như vậy, thường cầu nguyện cho họ được thân tâm an lạc, cúng thí thực bố thí chút nước, chút thức ăn gọi là có lễ cũng là quý báu.Đừng tiêu tốn tiền bạc vật chất làm các đàn lễ hoành tráng tốn kém để cầu may mắn, phước báo… họ chẳng hưởng được gì qua những cuộc đổi chác theo kiểu “Tui cúng mấy quý vị, quý vị phù hộ cho tui làm ăn buôn bán được nhe”. Vì tâm cảm mới là quan trọng khi tình người còn dành cho nhau trong từng ý niệm, chỉ thế thôi.

Nguồn: Tam Giới Toàn Thư

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *