Home Cổ Pháp Tam Giáo

Cổ Pháp Tam Giáo

Cổ Pháp Tam Giáo

* Nguồn gốc

– Mỗi tôn giáo đều có những linh vật biểu trưng cho lý tưởng, tôn chỉ cứu dân độ thế của tôn giáo ấy. Những linh vật này được lưu truyền lâu đời, trải qua bao thăng trầm của thời gian mà vẫn gìn giữ được giá trị chân thật vốn có của nó, lại gia tăng thêm tín tâm của chúng sinh với linh vật ấy theo thời gian, khiến linh vật đó càng thêm cao trọng thì được gọi là Cổ Pháp.

– Trong văn hóa Á Đông thì có ba nền tôn giáo lớn như Thích Giáo, Đạo Giáo, Nho Giáo có sự tồn tại lâu đời hơn hai ngàn năm, được nhiều người tín tâm tu hành theo giáo lý, điều quy. Linh vật tượng trưng của ba tôn giáo này khi được đặt chung với nhau gọi là Cổ Pháp Tam Giáo.
Cao Đài Đại Đạo với tôn chỉ “Tam Giáo Quy Nguyên, Ngũ Chi Phục Nhất” hiện thời đang dùng Cổ Pháp Tam Giáo làm biểu tượng tôn chỉ cho nền Đại Đạo.

* Hình dạng và tính chất đặc trưng

– Cổ Pháp Tam Giáo có hình ảnh là ba món Cổ Pháp của ba nền tôn giáo, tương ứng cụ thể là:
Thích Giáo thuộc Phật Đạo, Cổ Pháp là Bát Vu
Đạo Giáo hay Lão Giáo thuộc Tiên Đạo, Cổ Pháp là Phất Chủ
Nho Giáo hay Khổng Giáo thuộc Thánh Đạo, Cổ Pháp là Xuân Thu Kinh

– Bát Vu

Là cái bình bát dùng để đi khất thực của tu sĩ xuất gia làm khất sĩ.
Bình này thường được làm bằng gỗ hoặc kim loại, ít khi bằng sành sứ hay các vật chất dễ vỡ.
Việc khất thực này là quá trình gieo duyên vói thế tục. Người xuất gia xem tứ phương là nhà, thong dong tự tại chẳng vướng bận tài vật hay gia sản đất đai nhà cửa. Đó chính là hạnh xả phú cầu bần của người tu hành đó vậy. Mỗi bước đi hành khất, tu sĩ giữ tâm thân mình trong chánh niệm, gìn giữ uy nghiêm trong quá trình gieo duyên giữ mình và thế gian hữu tình. Người bố thí sẽ cho thức ăn vào bát, tu sĩ sẽ thuyết giảng, chú nguyện cảm tạ chúc phúc cho người bố thí, đồng thời khuyến thiện, nói cho họ biết về giáo pháp của Đức Thích Ca để hướng họ về sự an vui tự tại giữa đời thường.
Bát Vu được dùng truyền thừa từ đời này sang đời khác trong cộng đồng tăng ni, nhắc nhở cho tu hành giả Thích Giáo luôn ghi nhớ vì sao mình xuất gia tu tập, ý hướng tôn chỉ của bản thân cũng như của Giáo Pháp mình đang tin và thực hành theo.

– Phất Chủ

Là một cái chổi quét được làm từ lông đuôi thú như ngựa, tuần lộc, có khi là lông chim.
Chổi này là linh vật luôn mang theo bên mình của hành giả Tiên Đạo. Mỗi hành động trong cuộc sống thường nhật thì hành giả tránh sự tổn hại đến chúng sinh các loài nhỏ bé. Nên cây chổi này dùng để quét trước khi ngồi, hoặc khi có côn trùng hay bụi bẩn trên người thì nhẹ nhàng quét đi không gây tổn hại đến chúng sinh.
Phất Chủ cũng tượng trưng cho sự vô ưu, phủi sạch phiền não, thân tâm thanh tịnh, thong dong tự tại của hành giả tu Tiên Đạo.

– Xuân Thu Kinh

Là một tác phẩm kinh điển vĩ đại do Đức Khổng Tử trước tác.
Về cơ bản là Kinh ấy mượn sử truyện mà khuyên người, răn đời, thấm nhuần triết lý sống làm sao để một người có thể hòa hợp với nhân quần xã hội cùng Trời Đất, có thể xem như là dạy Lễ Nghi cho người đời biết đường hành xử sao cho hợp lẽ Đạo tự nhiên vậy.
Bậc trí sĩ, Nho gia, hiền triết xưa đều xem trọng Xuân Thu Kinh, xem đây là kim chỉ Nam, là cẩm nang sống làm người thiện tri thức vậy.
Đức Quan Thánh Đế Quân cũng là vị dùng Kinh Xuân Thu làm lý lẽ mình nương theo mà sống một đời Trung Nghĩa lưu danh hậu thế vậy.

– Cao Đài Đại Đạo dùng Cổ Pháp Tam Giáo nhắc nhở chư thiện tín giả rằng sống ở đời này cần gìn giữ đức hạnh, từ bi yêu thương trân trọng mạng căn của chúng sinh. Thiện tín giả giữ thân tâm chẳng vướng bụi trần phiền não, khiêm nhường nhẫn nhịn giữa thế gian, liêm chánh, lễ nghĩa đủ đầy trong mối quan hệ nhân quần xã hội và Trời Đất.
Đó chính là sự dung hòa các tinh hoa của những nền tôn giáo đã và đang dẫn dắt chúng sinh về với Cội Đạo, tinh tấn và an lạc giữa đời thường.

* Cổ Pháp Tam Giáo được nhắc trong Kinh Điển, thi ca

Hiệp vạn chủng nhất môn đồng mạch
Quy thiên lương quyết sách vận trù
Xuân Thu, Phất Chủ, Bát Vu
Hiệp quy Tam Giáo hữu cầu chí chơn.

Trích từ Phật Mẫu Chân Kinh – Kinh sách Cao Đài Đại Đạo
….……………………….

Cổ Pháp Tam Giáo

Xuân Thu tự cổ để răn mình
Định quốc an dân nghĩa trọn Kinh
Phất Chủ quét tan phiền não sạch
Thoát phàm thời đặng hiệp Thần Minh
Bát Vu Cổ Pháp truyền Chân Giáo
Đoạn dục thập điều khuyến thiện sinh
Tam Giáo Quy Nguyên đồng nhất Lý
Bạch Dương tận độ khắp quần linh

Đức Thái Bạch Kim Tinh

Nguồn: Tam Giới Toàn Thư

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *