Home Côn Bằng

Côn Bằng

Côn Bằng

* Nguồn gốc

– Côn Bằng là thượng cổ Linh Thú xuất hiện từ thuở hồng hoang.
– Là loài phi ngư to lớn, thường cư trú ở Bắc Minh, hay còn gọi là Biển Bắc.
– Loài Kình Ngư cư trú ở vùng biển sâu, sau một thời gian dài hấp thụ linh khí trời đất, tánh linh thức tỉnh, thọ mệnh trường tồn, kích thước tăng trưởng theo thời gian, lại có thể rời khỏi mặt biển, thong dong tự tại nơi thiên không bao la.
– Các chú cá khi còn sống có tâm nguyện muốn được tự do hòa mình vào bầu trời vô tận, thỏa sức vẫy vùng khắp nơi, được học hỏi thêm những điều mới mẻ, lẽ huyền vi của Thiên Địa. Khi thân mạng kết thúc, anh linh của những chú cá như vậy đều có thể hóa thành Côn Bằng, thong dong tự tại ngao du khắp Tam Giới.
– Ở cõi Trung Giới và Thượng Giới, Côn Bằng cũng thường cư trú ở phía Bắc Câu Lưu Châu, nơi ít có ánh sáng, có không khí lạnh lẽo.

* Hình dạng và các tính chất đặc trưng

– Côn Bằng có phần thân hình to lớn giống loài cá voi xám, hai vây bên hông to khỏe, đủ sức nâng toàn thân bay lượn trên không trung.
– Côn Bằng có tiếng kêu gầm vang chấn động khắp cả thiên địa. Tiếng kêu ấy vừa mạnh mẽ uy dũng như tiếng gầm của long thần, lại có khi thanh tao thánh thót như tiếng phụng gáy đầu non.
– Côn Bằng được muôn loài xưng tán như là một vị Hải Vương nơi các vùng biển lớn.
– Mỗi một vùng biển lớn chỉ có một hoặc vài Côn Bằng mà thôi. Mỗi cõi giới có số lượng rất hiếm.
– Côn Bằng có thể hô phong hoán vũ, làm chủ những con sóng thủy triều khi ở dưới nước, nắm giữ các luồng khí lưu khi cất mình bay lên không trung.
– Côn Bằng được xem là biểu tượng của tinh thần tự do, thong dong tự tại, ý chí mãnh liệt, vì lí tưởng của mình mà kiên trì nhẫn nại để có ngày hòa mình vào đất trời, được học hỏi biết thêm nhiều điều về lẽ sống ở đời.
– Côn Bằng cũng được xem là biểu tượng của sự lột xác thần kỳ. Theo tích xưa, cá Côn là loài cá rất nhỏ, mỗi ngày đều không ngừng nỗ lực để phát triển, rồi có ngày trở nên to lớn vĩ đại, lại thoát ly được sự ràng buộc của hoàn cảnh là đại dương, hòa mình vào thiên không vô tận.
Ở điểm này, Côn Bằng với Ngư Long tức cá chép hóa rồng và chim sẻ hóa Phụng Hoàng có điểm tương đồng với nhau, cùng được xếp chung vào chủng loài Hóa Sinh đặc biệt. Cho nên có nhiều người tín ngưỡng Côn Bằng là một phần tử của chủng tộc Phụng Hoàng vậy.
– Đạo Gia xem Côn Bằng là một biểu trưng của hành giả luyện mình xuất thế gian, lại bất ly thế gian.

* Côn Bằng trong Nam Hoa Kinh của Trang Tử.

– Trong Nam Hoa Kinh, Côn Bằng được miêu tả là loài cá có kích thước lớn vài ngàn dặm sống ở Bắc Minh. Toàn thân khi nổi trên mặt nước giống như một hòn đảo vậy. Khi bay lên trời, đôi vây như cặp cánh to lớn, với toàn thân lớn vài ngàn dặm thì bóng của Côn Bằng như áng mây to lớn che phủ mặt đất.
– Mỗi khi biển gầm sóng lớn, là lúc Côn Bằng di chuyển từ Biển Bắc sang Biển Nam.
– Thấy Côn Bằng như thế, có chú ve và chim cười Côn Bằng rằng: Ta cố sức bay lên cây, dù có lúc trượt chân rớt xuống cũng chẳng sao. Sao phải cố sức bay xa cả chín ngàn dặm đến biển Nam làm gì?

o Lời bàn:
– Người muốn đi đến cánh đồng ngoài thành, chỉ cần chuẩn bị lương thực cho ba bữa, đến khi quay về bụng vẫn còn no.
– Người muốn đi trăm dặm phải chuẩn bị lương thực một ngày.
– Người muốn đi ngàn dặm phải chuẩn bị lương thực ba tháng.
– Hai loài nhỏ bé ấy sao có thể hiểu được.
– Mọi thứ đều có cái giá của nó, sự tự do, thong dong tự tại muốn có được cần phải đánh đổi bằng sự nghiêm túc, kiên trì bền chí và một ý chí vĩ đại.

* Côn Bằng trong văn học và sử thư

– Trong Sử thư kí tái biên tập chương học thành “Văn Sử Thông Nghĩa”quyển 3, chương 3 có viết:
“Côn Bằng chi thọ thập ức, tuy thiên niên kì do trĩ dã.”
Dịch nghĩa:
Côn Bằng tuổi thọ hàng triệu năm, tuy ngàn năm vẫn còn là trẻ con vậy.
Đoạn này nói về Côn Bằng khi còn mang thân xác hữu vi từ thời thượng cổ, là một Linh Thú có thọ mạng trường tồn, nên đối với Côn Bằng, hàng nàn năm vẫn chỉ là một đứa trẻ con vậy.
Lại nói về tính ẩn dụ, người xưa ví việc lớn, những lý tưởng vĩ đại, là việc đường dài, có khi kéo dài hết đời này sang đời khác chứ chẳng phải một đời. Trăm năm, ngàn năm cũng vẫn chỉ là quá trình định hình phát triển các lý tưởng vĩ đại ấy mà thôi. Thế mới thấy, việc dạy dỗ nên người của thế hệ đi trước kỳ vọng vào thế hệ mai sau ở con đường tu học nên người là việc vĩ đại dường nào.

– Thi Thánh Đỗ Phủ đời nhà Đường có viết trong “Bạc Nhạc Dương Thành Hạ”:
“Đồ Nam vị khả liệu,
biến hóa hữu Côn Bằng”
Nghĩa là:
Trong các sự vật nơi phương Nam, có Côn Bằng biến hóa kỳ diệu chẳng thể nghĩ bàn.

– Trong bài “Thượng Lý Ung”, Thi Tiên Lý Bạch có viết:
“Đại Bằng nhất nhật đồng phong khởi,
Phù diêu trực thượng cửu vạn lý”
Nghĩa là:
Loài Đại Bằng một ngày chuyển mình, đã có thể bay xa chín vạn dặm.

– Nhà thơ La Anh Công cũng có viết trong “Văn học nguyên lưu, chu tần chư tử tổng luận”:
“Minh linh Đại Xuân chi thọ,
Triêu khuẩn Mông Nhuế chi yêu,
Côn Bằng chi đại đẳng dụ.”
Tích dẫn từ “Liệt Tử – Thang Vấn Thiên”, “Mạnh Tử – Tiêu Dao Du”
Nghĩa là:
Trong số các anh linh vi diệu, Đại Xuân là cây trường thọ chỉ về thời gian. Trang Tử có nói cây Đại Xuân này cứ suốt 800 năm nở hoa nên gọi mùa xuân kéo dài 800 năm với cây ấy, lại 800 năm lá đổ nên mùa thu cũng kéo dài 800 năm.
Trong số các loài nấm khuẩn, thì Mông Nhuế là loài vô cùng nhỏ bé.
Còn như nhắc đến sự to lớn vĩ đại, thì phải biết đến Côn Bằng vậy.

– Thời nhà Tống, trong bài thơ “Thôi Thí Quan Khảo Giác Hí Tác”, Tô Thức có viết:
“Côn Bằng thủy kích tam thiên lí,
Thô luyện trường khu thập vạn phu”
Nghĩa là:
Côn Bằng mà quẫy cánh rời khỏi mặt nước thì đã đi xa ba ngàn dặm,
Để làm được việc vĩ đại như thế cần phải rèn luyện cả 10 vạn trượng phu mới có thể.
Ý chỉ về những việc to lớn vĩ đại, đối với bậc phi thường thì dường như là một cái trở tay, chuyển mình đã có thể làm được. Nhưng đối với người bình thường, dù tài giỏi mà chưa phi thường thì cả 10 vạn người phải được rèn luyện chuyên cần tỉ mỉ mới có thể làm nên đại sự.

– Đời nhà Thanh, Uông Mậu Lân trong bài thi “Tẩy Tượng” có viết:
“Khởi đồng Long Mã phụ,
Đồ tác Côn Bằng tưởng.”
Sao có thể ỷ lại vào Long Mã để bình an thiên hạ?
Chỉ tự thân vận động, cứ như Côn Bằng ẩn nhẫn chờ một ngày hòa mình vào thiên không.

* Côn Bằng trong Phật Giáo
– Trong Thiên Long Bát Bộ, có đại tộc Đại Linh Điểu là Ca Lâu La (gốc tiếng Phạn là Garuda), được mô tả là loài chim khổng lồ, có bộ lông hoàng kim rực rỡ như ánh mặt trời. Thân hình to lớn vĩ đại vài ngàn dặm.
– Côn Bằng khi rời khỏi mặt nước, cất cánh bay lên trời cao cũng to lớn như vậy, nên cũng được tín ngưỡng như là một thành viên trong đại tộc Ca Lâu La này.
– Côn Bằng là tên gọi theo tính chất cá khổng lồ bay lên trời hóa hình như chim phụng.
Còn Ca Lâu La thì chỉ về sắc tướng hoàng kim và hình dạng to lớn vĩ đại.

* Sự tương tác cảm ứng

– Côn Bằng thường độ duyên cho cả một dân tộc, một giáo phái, một trường phái học thuyết, một quốc gia, một vùng rộng lớn mà cả tổ chức ấy có được người lãnh đạo tinh thần sáng suốt, hoài bão ước mơ về những điều vĩ đại rõ ràng hữu ích cho Tam Giới.
– Những nơi nào có nhiều kẻ sĩ, người quân tử lỗi lạc, bậc hành giả thiện tri thức muốn làm nên những việc trọng đại phi thường. Lúc bấy giờ Côn Bằng sẽ tương tác, trợ duyên khiến những con người có ý chí mãnh liệt, nguyện vọng to lớn được sáng suốt, có thể từng bước vững chắc mà xây dựng ước mơ, lý tưởng của mình trở thành hiện thực.
– Điều vĩ đại, đối với người xưa, việc Thành Nhân là một điều vĩ đại của cá nhân mỗi con người. Vì khi Thành Nhân, bỏ được chữ Con phàm tánh của bản thân, chỉ còn chữ Người thì người ấy đã đứng vào hàng Tam Tài, là một vị trí hiên ngang ở giữa đời đầu đội Trời, chân đạp Đất, hòa mình nhân ái với muôn loài vậy.

Nguồn: Tam Giới Toàn Thư

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *