Home Cực Lạc Quốc – Niết Bàn

Cực Lạc Quốc – Niết Bàn

Cực Lạc Quốc – Niết Bàn

Nguồn gốc

Khi Tam Giới hình thành, nơi gần với trung tâm Đạo Nguyên có một cõi giới gọi là Cực Lạc Quốc hay Niết Bàn.
Cực Lạc Quốc này cũng chia thành bốn phương Đông Tây Nam Bắc. Mỗi phương như thế đều có các vị Giáo Chủ, Thiên Tôn, Cổ Phật, Tiên Trưởng, Đế Quân… cai quản các cảnh giới khác nhau.
….…………………………

* Tính chất đặc trưng Cực Lạc Quốc thực cảnh

Cực Lạc Quốc thực cảnh là cảnh giới trên Cửu Trùng Thiên, từ tầng Hạo Nhiên Pháp Thiên lên đến Thượng Thiên Hỗn Nguyên, tiến gần về Đạo Nguyên.

Cực Lạc Quốc thực cảnh này, chư linh muốn nhập được vào đấy, cần chứng được quả Bồ Đề Tâm, hư tâm thanh tĩnh, không còn vướng mắc các nghiệp trần sắc tướng hư huyễn phiền não. Phủi sạch Tam Độc, Thất Tình Lục Dục chi phối tâm thức, tâm tình vô nhiễm trước các rung động thế tục thường tình. Vì thế, chư linh nơi đây đều là anh linh của muôn loại chúng sinh có cấp hồn đệ Thất trở lên trong Cửu Phẩm Thần Tiên, dù cho chân hồn ấy thuộc nhóm nào trong Bát Đẳng Chân Hồn.

Nếu chân hồn nhập về đó, bất chợt lại nhiễm niệm mê luyến hồng trần, xảy ra động tình thì tự nhiên không thể trụ tâm ở cảnh giới ấy, dễ dàng bị các ma chướng khủng kinh tâm thần, Trầm Nê Ngư lôi kéo xuống các cõi giới thấp hơn, Trung Giới hoặc nhập trần vào Hạ Giới.

Hiện tại, nơi Cực Lạc Quốc có các vị Cổ Phật an tọa ở các nơi như:
….……………………………….

* Tây Phương Cực Lạc Quốc có:

* Nhị Kỳ Phổ Độ Tây Phương Giáo Chủ Thích Ca Mâu Ni Thế Tôn ngự nơi Thuyết Pháp Đài phía trước Lôi Âm Tự, trong An Lạc Viên hay còn gọi là Lộc Uyển. Nơi đây có chư linh tề tựu đông đúc để dự thuyết pháp đàn của Ngài. Có rất nhiều hươu nai, Cửu Sắc Lộc, cỏ cây hoa lá, chim muông cầm thú đều nhuốm màu vàng óng ánh như buổi chiều hoàng hôn yên tĩnh.

* Nhị Hội Long Hoa Chưởng Giáo, Tây Phương Giáo Chủ Tiếp Dẫn Đạo Nhân Di Đà Cổ Phật ngự tại Kim Sa Đại Điện trong Lôi Âm Tự. Nơi đây đều được bao phủ bởi ánh sáng hoàng kim lấp lánh. Chư anh linh trong Đại Điện này đều là những chân hồn đắc quả vị A La Hán, Bồ Tát, Tiên, Phật an vị. Tất thảy chư vị nơi ấy đều thấu hiểu nhân duyên nghiệp quả của chúng sinh, phát khởi thiện niệm tâm từ của mình để giúp chúng sinh hóa giải oan khiên nghiệp báo, tịnh hóa hồi hướng về Cội Đạo.

* Tam Hội Long Hoa Chưởng Giáo, Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ Di Lặc Vương Phật ngự tại Cội Dương Liễu ở gần Lôi Âm Tự. Ngài điều hành tất thảy quyền năng vận hành Tam Giới.
Dương Liễu Linh Thụ Tiên này có tán lá rộng lớn vĩ đại vô cùng, che phủ trên cả Lôi Âm Tự. Trên mỗi chiếc lá của cội dương liễu ấy, có những hạt sương long linh phát sáng, mỗi hạt sương ấy tượng trưng cho một chân hồn có tín tâm đang nương tựa vào giáo pháp và đức từ bi của Đức Di Lặc Vương Phật.

* Linh Đài Phương Thốn Sơn ở cõi Hạo Nhiên Pháp Thiên, nơi đây khí quang ngũ sắc thanh nhẹ, có màu hơi ửng hồng trên bầu trời là chủ đạo. Sơn xuyên hà hải trùng điệp lung linh, cỏ cây muôn vật khoe sắc. Nơi hướng Tây này, có một tòa linh bảo cao xa vời vợi, trên núi ấy có Tà Nguyệt Tam Tinh Động, gọi tắt là Tà Nguyệt Động hay Tam Tinh Động. Tinh là ngôi sao, tà nguyệt là trăng mờ, trăng xế.

Động ấy có ánh sáng vàng trắng rực rỡ vì trong động có Đức Chuẩn Đề an tọa dưới gốc Thất Bảo Linh Thụ, là một cây thần to lớn mà trên cây có nở ra những chùm hoa, quả đủ loại, đủ màu sắc, đẹp lung linh lấp lánh như trân châu ngọc quý vậy.

Ở Tà Nguyệt Cung này có các vị Linh Thú như Phụng Hoàng, Khổng Tước Minh Vương, Điểu Tộc, Hỏa Tộc thường xuyên lui tới để dẫn duyên chư linh cũng như nghe thuyết giảng từ các Pháp Đàn của Đức Chuẩn Đề.
Để vô được tới bên trong, cần tu dưỡng các tính là xả ly tư dục, rèn luyện trí tuệ minh chánh, dũng cảm can đảm đối diện các ma chướng, tiêu trừ phiền não, hiểu rõ tính không của vô thường vô nhiễm vô khổ vô trụ.

Linh Đài Phương Thốn Sơn và Tà Nguyệt Tam Tinh Động này khi chiết tự ngữ nghĩa thì ám chỉ về Huỳnh Tâm, nghĩa là tâm minh chánh sáng soi. Vậy có thể hiểu nơi ngự của Đức Chuẩn Đề có tên là Huỳnh Tâm Cung vậy.
….………………………………

* Ngoài ra, thời Tam Kỳ Phổ Độ, trên con đường ngao du tu học của các chân hồn nơi Cửu Trùng Thiên, chư linh có thể diện kiến Đức Chuẩn Đề Bồ Tát ở Chưởng Pháp Cung và Đức Phổ Hiền Bồ Tát ở Phổ Hiền Động nơi tầng Hạo Nhiên Pháp Thiên.
Nơi Cung Chưởng Pháp thì Đức Chuẩn Đề thuyết giảng về huyền vi vận hành Thiên Địa, có các bài thi để khảo thí về sự xả ly giúp chư linh tinh tấn.

Nơi Động Phổ Hiền thì Đức Phổ Hiền trợ duyên cho chân hồn có thêm một vòng sáng màu nhiệm bao phủ toàn thân ảnh mình, từ đó mà du nhập tinh tấn vào các cõi giới khác tiếp tục tu học, tịnh hóa và xả ly vướng mắc tư dục.

….…………………………………

* Nam Phương Cực Lạc Quốc có:

Phổ Đà Sơn, Lạc Già Động là nơi ngự của Đức Từ Hàng Bồ Tát – Quan Âm Bồ Tát.
Nơi đây biển xanh tươi mát, lấp lánh ánh ngũ sắc chiếu diệu trên mặt biển. Muôn loài linh thú thủy tộc, long tộc, điểu tộc ở đây rất đông. Bên bờ biển là bãi cát trắng vàng óng ánh lấp lánh như kim sa ngọc báu. Xa xa là dãy núi Phổ Đà Sơn, trên núi ấy có động Lạc Đà hay Lạc Già là nơi tĩnh tu của Ngài.

Trên núi có trúc, dương liễu rất nhiều, nên Ngài thường thị hiện thân ảnh với Tịnh Bình và nhành trúc hoặc dương liễu vẫy cam lộ.

Bên cạnh Ngài thường có Tiên Đồng, Ngọc Nữ làm thị giả, có cả Long Nữ, Long thần và Kim Mao Hẩu trấn giữ nơi Phổ Đà Sơn, Nam Hải.

Người muốn vào được trung tâm Phổ Đà Sơn – Lạc Đà Động thì cần thực hành nguyện từ bi phổ tế chúng sinh, xả ly tư dục, từ bi cứu độ chúng sinh, thấu hiểu vô thường vô ngã vô niệm.

Nam Hải Thượng Giới này có liên thông với Nam Hải Trung Giới là Bích Hải.
Bích Hải là nơi các chân hồn loi ngoi lóp ngóp, khi rơi xuống đây liền trở nên thân hình dị dạng bất thiện bất mỹ, không đẹp đẽ vì các niệm vướng mắc vào thất tình lục dục nên biến dạng như thế.

Ngài có danh gọi Từ Hàng vì Ngài thường xuyên chèo thuyền Bát Nhã nơi Bích Hải này cứu độ chư linh đưa về Nam Hải, Phổ Đà Sơn tu dưỡng.

Cho nên những ai may duyên tới đó, lỡ ham mê tắm biển, có khả năng bị Trầm Nê Ngư bu lôi kéo trì trệ, hoặc lỡ động tình thì cũng rơi xuống Bích Hải, tệ hơn nữa là chuyển sinh vô trần gian luôn vậy.
….……………………………………

* Đông Phương Cực Lạc Quốc có:

Thất Bảo Lưu Ly Sơn, Lưu Ly Cung là nơi Đức Dược Sư Lưu Ly Vương Phật cai quản, truyền pháp, thuyết giảng cho muôn sinh ở đấy tu dưỡng tâm tánh, tịnh hoá các nhân duyên, Tam Độc Tứ Khổ của mình.

Cảnh vật khắp nơi đều là màu ánh sáng dịu nhẹ như pha lê, ánh quang 7 sắc, cỏ cây hoa lá và cổ thụ, đất đá, sông hồ, núi non trùng trùng điệp điệp long lanh lấp lánh ánh 7 sắc trông giống như những viên đá quý, pha lê, ngọc ngà châu báu vậy. Không phải như người ta tưởng là châu báu hay đá quý, mà chỉ là do ánh sáng phản quang nên nhìn tưởng như thế, chớ cảnh sắc vẫn là cỏ cây bình thường như nơi khác, bốn mùa xuân hạ thu đông đều có đủ hoa trái tươi vui đầy sức sống.

Nơi đây cũng có thú cầm, con người di chuyển khắp nơi, họ thường xuyên nhóm họp lại thành từng nhóm nhỏ năm bảy người quanh một bụi cây 7 màu mà hấp thu linh khí, tịnh hoá bản thân nơi đó.

Trên đỉnh Thất Bảo Lưu Ly Sơn có một tòa cung điện nguy nga tráng lệ toàn một màu trắng ánh lên các sắc xà cừ tuyệt mỹ, tên gọi Lưu Ly Cung. Chúng sinh tụ họp về đó thường xuyên có Đức Dược Sư Lư Ly thuyết giảng về sự sinh thành hoại diệt vô thường.

Muốn vào sâu bên trong gần với Đức Dược Sư, cần tu dưỡng và tri ngộ về vô thường, vô khổ, tứ khổ, hi sinh, tịch tĩnh, tâm thành vững vàng, chánh định, kiên trực, từ bi trí tuệ đủ đầy, hiểu về thảo dược liệu, hiểu về thanh tịnh thuỷ, thánh thuỷ, đan dược.
….…………………………….

* Bắc Phương Cực Lạc Quốc có

Thiên Lôi Sơn, Lôi Âm Cổ Đài, là nơi cư ngụ của Đức Bất Không Thành Tựu Bồ Tát hay còn được biết đến với tôn danh là Thiên Cổ Lôi Âm Bồ Tát.

Nơi đây có những cái Thiên Cổ (Trống Trời) to lớn, được kết thành bởi Ngũ Sắc Tường Vân. Cỏ cây hoa lá, chim muông cầm thú đều ẩn hiện trong ngũ sắc tường vân. Bầu trời cũng thường xuất hiện những dải hào quang ngũ sắc như mấy dải lụa đang tung bay phấp phới trong không trung vậy.

Các Thiên Cổ mỗi khí phát ra ánh đạo quang vi diệu nhấp nháy liên hồi thì phát sinh ra ánh chớp cùng âm ba vang vọng khắp không gian. Âm ba này không chỉ đơn giản là tiếng sấm nổ vang trời, mà còn ngân nga thành giai điệu trầm bổng, nhẹ nhàng chậm rãi giúp chúng sinh Tam Giới tịnh hóa nhân duyên nghiệp quả của mình.

Ngài thường thị hiện thân ảnh là nam nhân tuổi chừng ba mươi, thân để ngực trần, thân dưới là quần ống rộng, xung quanh có nhiều cái Thiên Cổ nhỏ và mấy dải lụa tung bay phấp phới phát ra ánh hào quang ngũ sắc, phía trên đầu có một cái lộng báu cũng được kết bởi ngũ sắc tường vân và muôn hoa khoe sắc trên ấy.
Toàn thân ảnh Ngài thường ẩn hiện trong ngũ sắc tường vân.
Khi Ngài vân du Tam Giới thường hóa thân thành Đại Bàng Kim Sí Điểu, có tiếng kêu vang vọng khắp Tam Giới, sải cánh tạo nên ánh sáng vàng rực soi rọi các nơi tối tăm.

Ngài dùng pháp âm điểm hóa chúng sinh, gieo vào lòng chúng sinh hạt giống thiện lành, cơ duyên ngộ Đạo viên giác, giúp tịnh hóa các nhân duyên nghiệp quả của chúng sinh trong sự tịch tĩnh.

Giáo pháp của Ngài hướng về xả ly tư dục, thanh tĩnh vọng niệm, tiêu trừ Tam Độc, tà tính.
Muốn về nơi của Ngài thì cần đoạn niệm tư dục, thanh tĩnh vô ưu, vô ngã.
….…………………………….

* Trung Ương Cực Lạc Quốc chính là Cội Đạo, Đạo Nguyên. Khu vực này có:

Bạch Ngọc Kinh, Bắc Đẩu Cung, Ngọc Hư Cung, Linh Tiêu Điện…
Nơi các cảnh giới đặc biệt ấy, có chư vị cư ngụ và chưởng quản như:

* Tam Tôn Khởi Nguyên hay Tam Thiên Vị:

* Ngọc Hư Cung do Đức Đại La Thiên Đế Thái Cực Thánh Hoàng chưởng quản. Người ngự trên Bạch Ngọc Đài, hay còn gọi là Cao Đài, Lạc Thiên Thai, Linh Tiêu Điện.
Ngôi của Người chính là Ngôi Thái Cực, Ngôi Dương Quang.
Phía trước Ngôi Thái Cực này còn có một Thiên Nhãn là biểu tượng của Đức Đại La Thiên Đế.

Người ở đấy chan rưới hồng ân là điển quang thiêng liêng từ khối Địa Linh Quang chiết ra các điểm Tiểu Linh Quang gieo vào lòng vạn linh. Điểm sáng nhỏ này chính là lương tâm, lương tri, Thiên Lương, Phật Tánh vậy.
Người nắm cán cân công bình của quy luật Nhân Quả Tình Duyên Luân Hồi Sinh Tử, gọi ngắn gọn thì là luật Bác Ái Công Bình vậy.
….………………………….

* Ở Ngọc Hư Cung, trên Bạch Ngọc Đài, Ngôi Vô Cực là nơi ngự của Đức Cửu Thiên Huyền Mẫu.

Người thường an định tại Bát Cảnh Cung, bên trong khu vực Diêu Trì Cung, thường hành việc tạo hóa hồn phách vạn linh từ hai khí Âm Quang và Dương Quang, gìn giữ vòng xoay luân hồi sinh tử của sinh trụ hoại diệt.
Nhưng mỗi khi thiết triều hội hiệp chư Thánh Tiên Phật thì Người xuất hiện nơi Ngôi Vô Cực, Ngôi Âm Quang, gần Ngôi Thái Cực vậy.
….…………………………..

* Ở Ngọc Hư Cung, trên Bạch Ngọc Đài, Ngôi Hư Vô tịch tĩnh thì có Đức Hồng Quân Lão Tổ ngự nơi ấy.

Người thường an định tại Bắc Đẩu Cung, là vị chưởng quản Bắc Đẩu Cung, là vị Thầy dạy Đạo của muôn loại sinh linh, đưa chúng sinh hồi hướng về Đạo Nguyên.
Nhưng mỗi khi thiết triều hội hiệp chư Thánh Tiên Phật có việc vô cùng quan trọng thì Người sẽ ngự nơi Ngôi Hư Vô.
….…………………………

* Cả ba vị Tam Tôn Khởi Nguyên là Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế, Đức Cửu Thiên Huyền Mẫu, Đức Hồng Quân Lão Tổ tuy rằng cùng ngự ở 3 ngôi đặc biệt gọi là Tam Thiên Vị.
Nhưng mà Đức Đại La Thiên Đế và Đức Hồng Quân Lão Tổ ít khi xuất hiện. Một vị là hóa thân của Hư Vô Chi Khí, một vị là hóa thân của Thái Cực Đại Linh Quang nên ít khi nhị vị xuất hiện. Chỉ có Đức Cửu Thiên Huyền Mẫu, do nắm quyền hành tạo tác chân thần từ hai khí âm dương, nên chúng sinh vạn loại khi về đến Ngọc Hư Cung này có thể nhìn thấy hình ảnh người Mẹ thân thương của mình, có gương mặt hiền từ phúc hậu giống với gương mặt người mẹ sinh mình ra nơi trần thế vậy.
Cũng từ điểm này mà nhiều giáo phái không biết rõ sự tồn tại của Đức Đại La Thiên Đế, Đức Hồng Quân Lão Tổ và Đức Cửu Thiên Huyền Mẫu là Tam Thiên Vị. Họ chỉ biết đến duy nhất Đức Cửu Thiên Huyền Mẫu, được gọi với tôn danh Lão Mẫu, Vô Cực Lão Mẫu và tôn thờ Người tối cao tối trọng trong tín ngưỡng.

* Tuy quyền năng thiêng liêng Âm Dương tương hiệp, nhưng rõ ràng chúng ta cần hiểu Âm thì tượng trưng cho hoại diệt, Dương tượng trưng cho sinh tồn. Nên nếu thờ Đức Từ Mẫu là tối cao, Ngôi Vô Cực, Ngôi Âm Quang thì thật là một sự thiếu sót và có phần nghiêng về cơ hoại diệt của Đại Vũ Trụ vậy.
….…………………………..

* Ngoài ra ở Linh Tiêu Điện thuộc Ngọc Hư Cung này còn có các vị như:

Đức Nhiên Đăng Cổ Phật Chưởng Giáo Thiên Tôn Nhất Kỳ Phổ Độ.
Đức Thái Bạch Kim Tinh Giáo Tông Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ.

Đức Nhiên Đăng chưởng quản việc thiết lập các lễ hội họp chư Thánh Tiên Phật cùng nhau tạo định Thiên Điều, quy tắc vận hành sinh thành trụ hoại diệt của Tam Giới. Là cơ quan ban hành giới luật, lập Pháp.

Đức Thái Bạch Kim Tinh thì là vị chưởng quản cơ quan hành pháp, thực thi các quy tắc vận hành Tam Giới, thưởng phạt thuận theo nhân duyên nghiệp quả tu dưỡng tâm tính của muôn sinh linh.
….…………………………

* Bắc Đẩu Cung thuộc Bạch Ngọc Kinh

Nơi đây phát xuất ra chư vị Giáo Chủ truyền Đạo khắp Tam Giới. Ở Cung này, có hai vị Đại Tiên chính là Đức Nam Tào và Đức Bắc Đẩu. Hai vị ấy coi về bộ sinh tử, vận mệnh, kiếp số, họa phúc của muôn sinh trong Tam Giới.

Đức Nam Tào được chúng sinh biết đến chính là Đức Nam Cực Tiên Ông hay Nam Cực Trường Sinh Đại Đế, coi về thọ mệnh.

Đức Bắc Đẩu chính là Đức Bắc Cực Đại Đế hay Tử Vi Đại Đế, ngự tại Tử Vi Tinh nên Ngài còn được gọi với tôn danh Tử Vi Tinh Quân, Tử Vi Đế Quân, chủ mệnh về sự hưng thịnh, công danh thành tựu tột bậc của một người, quốc gia dân tộc.

Cả hai vị Nam Tào Bắc Đẩu cai quản vạn tinh tú vậy, đều được hiểu như là hai hóa thân chiết linh của Đức Tam Thanh Đạo Giáo Thượng Thanh Nguyên Thủy Thiên Tôn.
….………………………………………

* Cực Lạc Quốc tâm cảnh

– Cực Lạc Quốc tâm cảnh là cảnh giới của tâm cảm, tưởng thức, tri ngộ của một hành giả tu tập. Người đạt được các trạng thái tinh tấn như chánh định, chánh tư duy, chánh thiện nghiệp, vô lậu, thanh tĩnh, bố thí, vô niệm, vô ngã, vô dục… thì sẽ được nhập vào những cõi giới có các yêu cầu tương ứng của Cực Lạc Quốc thực cảnh. Hành giả tu tập tinh tấn chân thành có thể đạt trạng thái Cực Lạc ngay tại đời hiện thế. Tâm thức có thể du nhập Cực Lạc Quốc bất kì lúc nào và ngay khi từ bỏ xá thân.

– Cực Lạc Quốc tâm cảnh này, đối với những người tu tập theo pháp môn đã rơi vào tình trạng bế pháp, mạt pháp. Có công phu hành trì nhưng không còn phù hợp với thời đại, không phù hợp với giới luật Thiên Điều thì không thể nhập được vào thực cảnh Cực Lạc Quốc.
………………………………

* Nguy hại về sự ảo tưởng Cực Lạc Cảnh của chúng sinh.

Đây là trạng thái không ít người vướng mắc lầm tưởng.

Người nghĩ tưởng rằng bản thân mình đã chứng đắc các trạng thái tinh tấn, nhưng thực ra họ còn vướng mắc đủ thứ.

Người tưởng rằng mình đã xả ly vướng chấp vô niệm vô ngã, lại là vướng mắc nghiệp bất thiện của thân khẩu ý vì không giữ đúng giới luật tu hành.

Người tưởng rằng bản thân đã chứng đắc trạng thái Cực Lạc hay là Niết Bàn, được nhìn thấy chư Phật và Bồ Tát hiển hiện trước mắt mình với thân ảnh đẹp đẽ lung linh rõ ràng thuyết giảng cho họ hiểu chuyện này chuyện nọ… thực ra lại là ma chướng của lòng si mê, tham cầu được chứng pháp nhưng thực hành tu dưỡng tâm tánh còn yếu kém, biếng nhác và sai phương pháp.

Chúng sinh nhóm này, khi mất đi thân mạng thì không chuyển sinh vào các cõi an lạc, mà chuyển sinh về Lạc Hồn Trì.
Nơi đó, họ tự hoan hỉ trong huyễn cảnh của tâm tưởng bản thân rằng mình chứng đắc Niết Bàn, mình là Phật, Bồ Tát, Đại Tiên, Đại Thánh, mình cũng có trú xứ, có quốc độ của mình… họ ở đấy để tự chiêm nghiệm huyễn tưởng đời mình.
Đến một lúc nào đó, may mắn đủ duyên, họ tự giác ngộ rằng đó là do họ mê ảo, si tâm vọng tưởng khởi sinh ma chướng trên đường tinh tấn của mình. Khi đó, họ sẽ được chuyển sinh giải thoát khỏi Lạc Hồn Trì, rồi tùy duyên sở ngộ, nhận thức mà chuyển sinh thành dạng gì, ở đâu trong Tam Giới vậy.

Nguồn: Tam Giới Toàn Thư

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *