Home Cửu Vị Nữ Phật trong Long Hoa Đại Hội – Đức Hiếu Lễ Phật

Cửu Vị Nữ Phật trong Long Hoa Đại Hội – Đức Hiếu Lễ Phật

Cửu Vị Nữ Phật trong Long Hoa Đại Hội – Đức Hiếu Lễ Phật

Đức Hiếu Lễ Phật là tôn danh Phật Hiệu của Đức Thất Nương Diêu Trì Cung. Ngài là vị giảng sư, hướng Đạo, chia sẻ những nỗi đau khổ bởi vô minh, bởi chấp niệm bất thiện của chúng sinh nơi cõi Âm Quang. Vì thương xót chúng sinh chưa thấu lẽ Đạo, ngài nguyện đến các nơi u tối ở cõi Âm Quang, nhất là gần gũi với các âm hồn nữ tính để thuyết giảng độ duyên cho họ hiểu được lẽ Đạo, hồi tâm chuyển ý về Đạo Pháp. Tôn danh Phật Hiệu của Ngài chính là tấm gương nhắc nhở chúng sinh thực hành hạnh Hiếu Lễ với phụ mẫu song thân, thân bằng quyến thuộc của mình, cũng là tông đường tại thế gian. Người biết gìn giữ hạnh tiết hiếu lễ thì mới có thể làm người lương thiện giữa đời, làm người thường tình rồi thì mới mong tu đắc quả vị Thần Thánh Tiên Phật đặng. Làm người bình thường chưa xong thì sao nói đến hai chữ Tu Đạo được.

Ngài còn có Đạo Hiệu là Hương Lễ Tiên Tử.

Tôn Danh đầy đủ của Ngài nơi cõi Âm Quang được phổ biến là Âm Quang Tiếp Dẫn Đạo Nhân Thất Nương Diêu Trì Cung Hương Lễ Tiên Nương. Phật Hiệu của Ngài thì ít được biết hơn do chủ yếu được dùng ở Cực Lạc Quốc và Long Hoa Đại Hội.

….……………………………

* Hình dáng và các tính chất đặc trưng

– Ngài thường thị hiện thân ảnh là Tiên Nương tuổi chừng đôi mươi, mái tóc dài được búi cao thành quả đào trên đỉnh đầu, có giắt một đóa sen trắng nhỏ trên búi tóc, trên đóa sen ấy có hình Thiên Nhãn, phần đuôi tóc thả dài phía sau lưng. Ngài khoác đạo bào trắng tinh khôi có nhiều lớp, nơi hai tay có dải lụa trắng nhẹ tung bay trong gió.

– Ngài thường mang theo bên mình quyển kinh văn hoặc là cành sen trắng tinh khôi hàm tiếu.

– Thời Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, Ngài phụ trách dẫn duyên các chân hồn trên con đường tinh tấn thông qua Cửu Trùng Thiên trở về Cội Đạo. Trách nhiệm của Ngài trong Cửu Trùng Thiên là tiếp rước các chân hồn từ tầng Kim Thiên về tầng Hạo Nhiên Pháp Thiên. Các chân hồn được dẫn đến các Thiên Cung, Tiên Động, trải nghiệm sự học hỏi, tu dưỡng và thi cử rồi ai đủ điều kiện sẽ được thăng tiến lên tầng Phi Tưởng Diệu Thiên.

….……………………………

* Các lần giáng sinh nhập trần thời Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ của Ngài

– Theo lời thuật lại của Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc, Đức Thất Nương có một kiếp giáng trần là một công chúa tuyệt sắc giai nhân, được người người mến mộ. Có một vị quan trẻ đem lòng yêu mến sâu sắc, nhưng cả hai không đến được với nhau. Vị quan này vì thất tình nên lâm bệnh mà chết.

– Năm 1900, Đức Thất Nương giáng sinh làm con gái ông Vương Quan Trân và bà Đỗ Thị Sang ở Chợ Lớn, miền Nam Đại Việt. Ngài tên là Vương Thị Lễ, là một thiếu nữ khuê các hiền lương. Đang theo học Trung Học trường Sainte Enfance đến trình độ Brevet Elémentaire (Trung học Pháp) thì Ngài lâm bệnh ngặt nghèo. Gia đình chạy chữa khắp nơi đều không có kết quả. Thân Mẫu của Ngài mới thông cáo khắp nơi ai có thể chạy chữa khỏi bệnh cho con gái mình thì sẽ gả cô ấy cho người đó.

Lúc bấy giờ, có một bác sĩ Tây Y vừa chuyển đến Sài Gòn nhận lời. Gia đình mời ông ấy về chữa cho con gái. Khi đó, ký ức tiền duyên đã quay về. Ngài biết vị bác sĩ này chính là viên quan tiền kiếp đã từng yêu quý mình rồi vong thân mạng. Tuy vị bác sĩ đã chữa khỏi bệnh cho cô, nhưng Mẫu Thân cô không giữ đúng lời hẹn, chỉ gửi tiền thù lao cảm tạ mà không gả cô cho bác sĩ ấy. Cô Vương Thị Lễ muốn gìn giữ lời hứa gả ấy nên nhất định không muốn cưới ai khác ngoài vị bác sĩ kia. Cô Lễ tái phát bệnh, rồi mất khi tuổi chừng 18.

– Đến năm 1925, nhân dịp mấy vị tri thức là Cao Quỳnh Cư, Phạm Công Tắc và Cao Hoài Sang lập đàn cầu cơ, Đức Thất Nương nhập cơ mượn danh Đoàn Ngọc Quế để dẫn dắt ba vị tri thức ấy tu Đạo.

Sau mấy lần đối đáp văn thơ, ba người họ và Đức Thất Nương kết nghĩa huynh muội. Ngài gọi ông Cao Quỳnh Cư là Trưởng Ca, ông Phạm Công Tắc là Nhị Ca, ông Cao Hoài Sang là Tam Ca, còn Ngài tự xưng là Tứ Muội.

– Một thời gian sau, Đức Thất Nương giới thiệu các vị như Đức A Ă Â, Đức Diêu Trì Kim Mẫu, Cửu Vị Tiên Nương… và cho biết thân phận thật sự của mình là Thất Nương Diêu Trì Cung.

– Nhờ có mối lương duyên đặc biệt của Đức Thất Nương với nhóm tri thức bấy giờ, sau này các vị ấy trở thành những vị chức sắc tiền khai của nền tôn giáo dân tộc Đại Việt.

15.10.1926 Bính Dần chính thức là ngày Khai Đạo của Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ Đạo Cao Đài.

Như vậy mới thấy, buổi Tam Kỳ Phổ Độ này, công đức của Đức Thất Nương là vĩ đại dường nào khi Ngài là vị dẫn dắt duyên tu Đạo cho các vị chức sắc Cao Đài buổi đầu.

….……………………………

* Các Kinh điển, thi văn tiêu biểu của Ngài

Kinh Đệ Thất Cửu – Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ

Nhẹ phơi phới dồi dào không khí

Hạo Nhiên Thiên đã chí môn quan

Đẹp xinh cảnh vật đòi ngàn

Hào quang chiếu diệu khai đàng thăng Thiên

Cung Chưởng Pháp xây quyền Tạo Hóa

Kiến Chuẩn Đề, thạch xá giải thi

Già Lam dẫn nẻo Tây Quy

Kim Chung mở lối kịp kỳ kỵ sen

Động Phổ Hiền, Thần Tiên hội hiệp

Dở kim cô đưa tiếp linh quang

Im lìm kìa cõi Niết Bàn

Lôi Âm Trống thúc lên đàng thượng Thiên

….……………………………

Nỗi mình tâm sự tỏ cùng ai?

Mạng bạc còn xuân uổng sắc tài.

Những ngỡ trao duyên vào ngọc các,

Nào dè phủi nợ xuống tuyền đài.

Dưỡng sinh cam lỗi tình sông núi,

Tơ tóc thôi rồi nghĩa trúc mai.

Dồn dập tương tư quằn một gánh,

Nỗi mình tâm sự tỏ cùng ai ?

Đoàn Ngọc Quế.

….……………………………

Trời già đành đoạn nợ ba sinh,

Bèo nước xẻ hai một gánh tình

Mấy bữa nhăn mày lâm chước quỷ,

Khiếm ôm mối thảm lại Diêm Đình.

….……………………………

Người thì ngọc mã với kim đàng,

Quên kẻ dạ đài mối thảm mang

Mình dặn lấy mình, mình lại biết,

Mặc ai chung hưởng phận cao sang

….…………………………….

Lừa dịp đình chơn viếng cố nhân,

Cảm tình trông đợi, dạ ân cần.

Chầy ngày tuy chẳng thăm nhau đặng,

Mà tấm lòng kia vẫn luống gần.

….……………………………

Thử lòng tri kỷ đó mà thôi,

Tương ngộ có hơn bảy tháng rồi.

Yêu mến một lòng đây biết rõ,

Thuỷ chung đâu để hổ cùng lời.

….……………………………

Thất thế náo thân chớ tưởng lâu,

Nương cùng quí vị chỉ đường cầu.

Kính đem đến tận bờ dương liễu,

Tặng nghĩa đài sơn kẻ chực chầu.

(2-9-1942)

….……………………………

Đã cùng nhau trót mấy lời giao,

Cách mặt mà lòng chẳng lãng xao.

Đàng đạo càng đi càng vững bước,

Cõi Thiên sau ắt hội cùng nhau.

Một nhà vầy hội rất mừng thay,

Đạo Thánh từ đây đặng vẹn ngay.

Một bước một đi đường một tới,

Lòng thành xin trọng thấu Cao Đài.

(22-12-1925)

….………………………

– Giải thi Quý Cao:

Ngày 27-11-1925, Quý Cao giáng cơ cho các vị tri thức bài thi :

Tử sanh dĩ định tự thiên kỳ,

Tái ngộ đồng hoan hội nhứt chi.

Bắc Nguỵ quan vân tâm mộ hữu,

Giang Đông khán thụ lụy triêm y.

Mấy vị tri thức không hiểu rõ lắm ý tứ bài thi, nên hôm sau họ cầu Đức Thất Nương giải nghĩa 2 câu chót:

Khi Như Hoành ở Bắc Ngụy đi thuyết chiến bên Giang Đông gặp Bạch Hàm thì tâm đầu ý hợp kết làm anh em.

Khi Như Hoành về Ngụy thì anh em khó phân ly, Như Hoành than rằng:

– Bắc Ngụy văn thiên thụ.

– Giang Đông nhứt mộ vân.

Bạch Hàm đáp.

Nghĩa là :

– Ngó Bắc Ngụy, ngàn câu đưa tiếng bạn,

– Nhìn Giang Đông thấy khóm mây vẽ hình anh.

….…………………

– Giảng giải Âm Quang là gì

Ngày 9-4-Giáp Tuất

Tiếc thay em có dặn trước ngày em đến, đặng hội hiệp đông đủ cùng nhiều chị, nhưng phò loan trễ nãi, nên em không phương gặp đặng, nhất là về việc Diêu Trì Cung bị mượn danh nơi khác mà dối gạt nhơn sanh. Cái hại ấy vốn chẳng vừa về phần tín ngưỡng. Chớ chi thất tại tà quyền, thì có mấy em trừ khử, nhưng tại nơi đồng tử thì mấy em không phương giải nạn cho mấy người mê tín.

Thưa cùng mấy chị, em xin nhắc nhở điều nầy:

Ngày hội Ngọc Hư đặng lo phương tiếp pháp của Tây Phương Cực Lạc qua, em đã đặng nghe thấy những lời của Địa Tạng Vương Bồ Tát than thở rằng:

Ngài là Phật nên khó gần gũi các hồn Nữ phái mà khuyến giáo cơ giải thoát mê đồ.

Bởi cớ nơi Âm Quang, nữ hồn còn bị luyện tội nhiều hơn Nam phái bội phần.

Em lại nghe Người ước rằng:

Chớ chi có một đấng Nữ Tiên dám đảm đương đến phổ tế mới mong tận độ chư vong của Phong Đô thoát kiếp.

Em mới để dạ lo lường cả lòng lẫn ái đến đó; em đã chán thấy nhiều tội tình chẳng trọng hệ, song có hồn chịu sầu thảm lạ thường. Em đã liệu nhiều phương thế cho từ đây mấy chơn hồn có bề dễ tránh khỏi cửa Âm Quang hãm tội.

Em nên nói rõ âm quang là gì trước đã, rồi thì mấy chị mới hiểu đặng.

Âm Quang là nơi Thần Linh Học gọi là nơi Trường Đình của chư hồn giải thể hay nhập thể. Đại Từ Phụ đã định nơi ấy cho Phật gọi là “Tịnh Tâm Xá” nghĩa là nơi của chư hồn đến đó đặng tịnh tâm, xét mình coi trong kiếp sanh bao nhiêu phước tội.

Vậy thì nơi ấy là nơi xét mình.

Chớ chi cả nhơn sanh biết xét mình trước khi thoát xác, thì tự nhiên tránh khỏi Âm Quang.

Nói cho cùng, nếu trọn kiếp, dầu gây lắm tội tình, mà phút chót biết ăn năn tự hối, cầu khẩn Chí Tôn độ rỗi, thì cũng lánh xa khỏi cửa Âm Quang, lại còn hưởng đặng nhiều ân huệ của Chí Tôn, là các chơn hồn đặng tự hối hay là đặng giáo hoá mà hiểu trọn chơn truyền lập phương tự độ, hay là con cái của các chơn hồn cầu rỗi.

Ôi!

Tuy vân, hồng ân của Đại Từ Phụ như thế mà vẫn thấy các chơn hồn sa đoạ hằng hà. Mỗi ngày xem chẳng ngớt, là tại thiếu kém đức tin và lòng trông cậy nơi Thầy.

Đó là mấy Đạo hữu tín đồ bị thất thệ.

Em trông thấy bắt đau lòng, phái Nữ lại là phần đông hơn hết

….…………………………

– Trường thi Tình Ái

Người tình ái lòng thương như biển,

Cả nước non hòa tiếng yêu thương.

Thương hồi gió lá đương sương,

Thương chim đổ cội, thương tường che hoa.

Thương tiếng dế như hòa khóc bạn,

Thương hơi cây gió thoáng reo đờn.

Thương bầy thú nhảy đầu sơn,

Kết đôi chẳng hiểu tiếng hờn chia bâu.

Thương sông chảy như rầu nhăn mặt,

Thương gành khuya như bắt cầu Lam.

Thương con thuyền bá nương buồm,

Thương dòng nhi nữ chứa hờn Tương Giang.

Thương gió lạnh mây tan Trời rạng,

Thương muôn sao nhấp nhoáng bóng khuya.

Thương mưa đổ giọt châu ria,

Cỏ cây như nước chan hòa đầm xuân.

Thương đến chốn gọi rừng Trước Tử,

Chứa hiền xưa đặng giữ Đạo Trời.

Thương công ngư phủ đầm khơi,

Đò nhơn rước khách lập đời an nguy.

Thương vạn vật cũng bì đồng loại,

Thương nhơn sanh chẳng mỏi lòng thương.

Thương người lạc bước lỡ đường,

Tìm chơn Cung Tốt, lạc đường Bích Cung.

Thương các Đấng anh phong vị chủng,

Thương những trang bỏ sống vì nhà.

Thương lùm mả ủ thân ma,

Cốt căn bao Đấng san hà gầy nên.

Thương cửa Khổng chẳng bền mối Đạo.

Thương nhà văn khó bảo cơ văn.

Đòi phen nắm viết muốn quăng,

Đề danh chẳng kể đáng bằng ghi tên.

Thương những kẻ vì hiền khổ phận.

Cửa tang du khó lấn đầu hiên.

Thương người đeo thảm chuốc phiền,

Nỗi duyên lỡ dỡ hương nguyền lạnh tanh.

Thương những kẻ ôm dành cả nghĩa,

Thương cho người cửa tía cầu ô,

Bán thân vì chút từ cô,

Đem duyên mà đổi liễu bồ buôn may.

Thương nỗi bạn hằng ngày trông bóng.

Kiếm người thương những ngóng tin sương.

Tuyết khuya bủa lạnh then giường,

Gối chăn chia nửa, bước đường lạnh tanh.

Thương nghe dế năm canh trổi giọng,

Tưởng như dường ướm giống dây loan.

Thương ai thổn thức canh tràng,

Vô phòng phòng vắng, vén màn màn côi.

Thương cho kẻ ngậm ngùi lỡ phận,

Tìm kiếm đôi lại vấn vương oan.

Thương người lánh tục tìm nhàn,

Trễ chơn mà bị phụ phàng tình duyên.

Thương người giữ chẳng bền danh tiết,

Vì thương nên khó biết trong mình,

Thà cam chết sống với tình,

Chia tay chẳng chịu sớm đành phụ nhau.

Thương Trời rạng lao xao cánh nhạn,

Đến đưa tin cửa Hớn Chiêu Quân.

Thương người lạc bước phong trần,

Đem thân Hồ Hớn bỏ phần tơ duyên

Thương người những chờ thuyền biển ái,

Bồng con thơ ngần ngại trông chồng.

Tấm trinh đổi mặt non sông,

Đành đem thân đá hẹn cùng tuyết sương.

Thương mây toả như dường vẽ bóng,

Chức Nữ kia ngồi ngóng Ngưu Lang.

Trông vơi cánh thước nhộn nhàng,

Cầu Ô chẳng đến lập đàng hiệp đôi.

Thương Cung Quảng, Hằng ngồi ngó bể,

Đợi tin chàng Hậu Nghệ đến thăm.

Thương ai mến trộm nhớ thầm,

Lựa duyên chẳng chịu ôm cầm thuyền ai.

Thương Tô Huệ hằng ngày dệt gấm,

Dâng tấm trinh vào tận đền rồng.

Thương người chịu nhục cùng chồng,

Dầu xa ân ái còn nồng nghĩa nhân.

(1933)

….…………………………….

Thơ vịnh về Đức Thất Nương của Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc:

Cầm hoa sen Thất Nương nguyện rỗi,

Cõi Hạo Nhiên mở lối vĩnh tồn.

Âm quang nhiệm vụ độ hồn,

Tái sanh Vương đạo Chí Tôn siêu phàm.

Nguồn: Tam Giới Toàn Thư

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *