Home Cửu Vị Nữ Phật trong Long Hoa Đại Hội – Đức Khảo Thí Phật

Cửu Vị Nữ Phật trong Long Hoa Đại Hội – Đức Khảo Thí Phật

Cửu Vị Nữ Phật trong Long Hoa Đại Hội – Đức Khảo Thí Phật

Đức Khảo Thí Phật là tôn danh Phật Hiệu của Đức Tứ Nương Diêu Trì Cung trong Long Hoa Đại Hội Cực Lạc Quốc.

Ngài là vị Phật độ duyên cho những người ham học hỏi, tu học tinh tấn. Ngài phụ trách giữ Kim Bảng đề tên những ai đạt được thành tựu, chứng quả Cửu Phẩm Thần Tiên và nhập vào Cực Lạc Quốc trong Long Hoa Đại Hội Tam Kỳ Phổ Độ lần này.

Diêu Trì Cung Tứ Nương là một vị giám khảo nơi cõi Thượng Giới trong các khoa thi tuyển chọn bậc anh linh có đầy đủ đức tài phụng sự cho muôn linh. Ngài cũng thường giáo hóa về đạo đức, trí thức tinh thần ở nhiều giảng đường, pháp đàn trong Tam Giới.

Đạo Hiệu của Ngài là Hồng Hà Tiên Tử, Hồng Hà Nữ Sĩ.

Tôn Danh đầy đủ của Ngài là: Cửu Thiên Giám Khảo Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ Hồng Hà Tiên Tử

….………………..

* Hình dáng và các tính chất đặc trưng:

Ngài thường thị hiện thân ảnh nữ nhân độ chừng hai mươi mấy tuổi, tóc búi cao thành một quả đào trên đỉnh đầu, có giắt hoa sen ở búi tóc, trên đóa sen có hình Thiên Nhãn, đuôi tóc xõa dài phía sau. Thân Ngài khoác đạo bào trắng hoặc vàng, có mấy dải lụa mỏng quàng nơi cánh tay nhẹ nhàng tung bay trong gió. Trên đạo bào có điểm xuyết hoa văn tinh xảo như mây trời, hoa lá mùa xuân, chim muôn cầm thú.

Bên hông Ngài có giắt theo một chiếc túi gấm có thêu hình Bát Quái, chính là Bát Bửu Nang. Bát Bửu Nang này tượng trưng cho 8 tánh tốt của người tu Đạo như: Nhân, Hiếu, Để, Lễ, Trí, Tín, Liêm, Sỉ. Người nào giữ được 8 phẩm chất ấy, tức là Thành Nhân, là Người đã vượt thoát được chữ con nơi mình, xứng đáng đứng giữa Thiên Địa trong Tam Tài Thiên Địa Nhân vậy. Tất nhiên, ai muốn đạt được đều cần phải tu, phải học, phải rèn luyện tâm tánh, trau dồi hạnh đức, tri thức tinh thần cho đến tận thiện tận mỹ, trọn lành trong sạch.

Ngài thường mang theo bên mình Kim Bảng, là một quyển trục Thiên Thư. Trên ấy có tên của những người đắc các quả vị Cửu Phẩm Thần Tiên trong thời kỳ Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ.

Ngài thường dùng văn chương thi phú độ duyên cho người tinh tấn trên đường trí thức tinh thần, giúp họ hướng về nẻo Chánh, tu tâm dưỡng tánh đạt thành Đạo Quả.

Vào thời Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ tận độ chúng sinh, Đức Từ Phụ cùng Đức Từ Mẫu khai mở ra con đường về Cửu Trùng Thiên, giải tán Cửu Tuyền. Các chơn hồn có tu tập tùy mức độ khác nhau sẽ được đưa về các cõi Trung Giới, Thượng Giới nhanh hơn, không phải chịu trong vòng luân hồi đầu kiếp nhiều đời học hỏi, trả nghiệp như trước. Ngài phụ trách tiếp rước các chân hồn từ cõi Thanh Thiên nhập cõi Huỳnh Thiên. Sau khi Ngài giúp dẫn độ họ qua các cảnh giới giúp họ tịnh hóa tâm thức, thì đưa họ lên tầng Xích Thiên.

Trong lịch sử truyền Kinh, Ngài giáng cơ cho Kinh Thiên Đạo và Thế Đạo rất nhiều. Đặc biệt có một bài trường thi kinh thơ là Nữ Trung Tùng Phận với hơn 1400 câu, được diễn theo thể song thất lục bát. Trường thi này là áng văn chương dạy Đạo lẫn đời cho chung nam nữ, nhưng đặc biệt là phần nữ phái sống sao cho hợp đời cùng Đạo trong buổi Tam Kỳ Phổ Độ.

….…………………

* Các lần giáng sinh nhập trần trong lịch sử

Ngài từng có hai kiếp chiết linh nhập trần ở đất nước Đại Việt được ghi chép lại trong Đạo Sử.

Một kiếp là cô Lê Ngọc Gấm, sống vào thời Trịnh Nguyễn phân tranh. Cô Gấm mất sớm do loạn lạc chiến tranh, hồn phách cô nương tựa nơi đền Sòng ở đất Thanh Hóa, là nơi thờ Đức Thánh Mẫu Liễu Hạnh.

Đến năm 1705, cô chuyển sinh vào nhà họ Đoàn, là nữ sĩ Đoàn Thị Điểm vang danh thiên hạ với tài thi phú từ nhỏ.

Có nhiều giai thoại kể về việc nữ sĩ Đoàn Thị Điểm đối đáp văn thơ, câu đố tài tình với nhiều bậc nam sĩ trí thức thời bấy giờ.

Năm 1748, nữ sĩ Đoàn Thị Điểm cùng phu quân mình ghé thăm viếng Đền Sòng. Cảnh cũ năm xưa chân hồn cô Gấm từng tá túc nương tự một thời gian khiến nữ sĩ động lòng trắc ẩn. Những ký ức tiền kiếp của cô Gấm được tái hiện trong tâm cảm nữ sĩ.

Nữ sĩ lâm bệnh nặng, rồi thoát xác đăng tiên trong ít ngày sau đó. Đây là lúc mà chân hồn cô Gấm, nữ sĩ Đoàn Thị Điểm thức tỉnh, nhớ lại căn kiếp nguyên linh mình chính là Tứ Nương Diêu Trì Cung. Quá trình thức tỉnh này, có sự trợ duyên giúp đỡ của Đức Ngũ Nương Diêu Trì Cung, vì Đền Sòng thờ Đức Thánh Mẫu Liễu Hạnh chính là Đức Ngũ Nương.

Nhưng mấy ai ngờ được, những duyên nghiệp trong kiếp sinh của nữ sĩ, những trăn trở với thế sự khiến cho vị nữ sĩ tài ba ấy không thể siêu thoát, chưa hiệp căn trở lại với Tứ Nương là ngôi xưa vị cũ của mình.

Nữ sĩ Đoàn Thị Điểm phải ở Tịnh Tâm Điện nơi cõi Trung Giới gần 200 năm. Sau khi quán chiếu các nhân duyên, trước tác nên tác phẩm Nữ Trung Tùng Phận truyền dạy đạo đức thì nữ sĩ đã yên tâm, nhẹ nhàng siêu thoát, quy hồi cựu vị là Tứ Nương Diêu Trì Cung. Cũng có thể hiểu, đó chính là công nghiệp vĩ đại mà nữ sĩ Đoàn Thị Điểm đã lập nên công trạng mình sau khi đã nhập về linh giới.

….………………….

* Các bài thi, Kinh điển tiêu biểu do Ngài giáng cơ lưu truyền

Kinh Đệ Tứ Cửu – Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ

Sắc Huỳnh chiếu roi vàng đường hạc

Cõi Huỳnh Thiên nhẹ thoát chân tiên

Năm rồng đỡ nổi đầu thuyền

Vào Cung Tuyệt Khổ kiến Huyền Thiên Quân

Trừ quái khí Roi Thần chớp nhoáng

Bộ Lôi Công giải tán trược quang

Cửa Lầu Bát Quái chun ngang

Hỏa Tinh Tam Muội thiêu tàn oan gia

Đạp Thái Sơn nhảy qua Đẩu Suất

Định Kim Câu đến chực Thiên Môn

Chơn Thần đã nhập càn khôn

Thâu quyền độ thế bảo tồn chúng sinh.

….…………….

Trích một phần từ trường thi Nữ Trung Tùng Phận:

941

Phải buổi trước đừng phiền đừng oán,

Để nguyên tình uống cạn chén tình.

Làm chi rẽ nợ ba sinh,

Mà nay phải chịu một mình riêng thương.

945.

Tội chàng trước tiêu dường tuyết giá,

Còn thiếp mang trọn cả lỗi chàng.

Lời phiền đổi lại tiếng than,

Thương kia bao nả lại càng thêm thương.

949.

Đời vắn ngủn huỳnh lương in giấc,

Kiếp phù sinh đặng thất nơi thân.

Còn thân sống chịu phong trần,

Dứt hơi dầu muốn trọn gần cũng xa.

953.

Nếu thiếp trước biết hòa biết thuận,

Nhẫn ghen tương nhịn lẫn ân tình.

Chia thương ơn ấy đã đành,

Thứ thê chánh thiếp giựt giành chi duyên…

….…………………….

Thi tự thuật về thân phận cô Gấm và nữ sĩ Đoàn Thị Điểm

Gấm lót ngõ chưa vừa gót ngọc,

Vàng treo nhà ít học không ưa.

Đợi trông nho sĩ tài vừa,

Đằng giao khởi phụng chẳng ngừa Tiên thi.

….………………..

Học cho rộng giao thông tứ xứ,

Học cho cùng xử sự ngoại lân

Học cho đúng bậc tài thần,

Ưu quân ái quốc vua cần dân nghinh.

Học cho thấu máy linh cơ tạo,

Học cho toàn trí xảo văn minh.

Thâu tài hay, nhập nước mình,

Làm cho dân hưởng thái bình giàu sang.

….…….

Tứ đức vẹn toàn mới xứng danh

Nương hơi nhang khói chỉ điềm lành.

Kính mừng quí vị ân cần tịnh,

Tặng khách nâu sòng diệt quới khanh.

(2-9-1942)

….…………..

Gấm hiền trước vì vài câu nói,

Dựa người nhơn chẳng mỏi đường xa.

Ngừa loan phải gọi phòng hòa,

Trường hồng đã tạo mấy nhà tài văn.

….…………….

Tưởng trọn phận tô xuê đảnh Việt,

Nương thuyền từ cứu tuyệt trần ai.

Đường quê nào thấy Thiên thai,

Công trình lập đặng Vân đài chí công.

….………………..

Gấm thêu hoa càng nhìn càng đẹp,

Đức thêm tài chẳng hẹp đường tu.

Mặc người lên võng xuống dù.

Lợi danh xạo xự thiên thu lỡ làng.

….…………..

Thơ vịnh về Đức Tứ Nương của Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc

Cô Tứ Nương cầm riêng Kim Bảng

Cõi Huỳnh Thiên điểm rạng văn tài.

Nắm quyền giám khảo trong tay,

Chọn người đức hạnh học hay tuyển vì.

Nguồn: Tam Giới Toàn Thư

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *