Home Cửu Vị Nữ Phật trong Long Hoa Đại Hội – Đức Tế Độ Phật

Cửu Vị Nữ Phật trong Long Hoa Đại Hội – Đức Tế Độ Phật

Cửu Vị Nữ Phật trong Long Hoa Đại Hội – Đức Tế Độ Phật

Đức Tế Độ Phật là tôn danh Phật Hiệu của Đức Cửu Nương Diêu Trì Cung.

Ngài là vị thị giả của Đức Diêu Trì Kim Mẫu, phụ trách chung việc kết nối các hoạt động của chư vị trong việc giữ gìn Cơ Sinh Hóa cho được tận thiện, tận mỹ. Diêu Trì Cung ở Tạo Hóa Huyền Thiên là nơi sản sinh ra chơn hồn muôn linh, thế nên việc kết nối các mối duyên giữa Tam Giới với nơi này là việc hệ trọng vô cùng. Nhờ duyên lành ấy mà chư Nguyên Nhân mới về được với Đức Từ Mẫu, chúng sinh tinh tấn ngày thêm tận thiện tận mỹ sớm về với Cội Đạo.

– Đạo Hiệu của Ngài là Ngọc Vạn Tiên Tử, Hương Khiết Tiên Tử.

– Tôn Danh đầy đủ của Ngài thời Tam Kỳ Phổ Độ là Diêu Trì Cung Sứ Giả Hương Khiết Tiên Nương.

………………………

* Hình dáng và các tính chất đặc trưng

– Ngài thường thị hiện thân ảnh thiếu nữ tuổi chừng đôi mươi, gương mặt thanh tú trắng hồng. Mái tóc Ngài để dài, búi gọn gàng thành một quả đào trên đỉnh đầu, trên ấy có giắt cành hoa trâm, giữa đóa hoa ấy có biểu tượng Thiên Nhãn Minh Triết.

– Toàn thân Ngài khoác đạo bào màu trắng nhiều lớp, nơi hai cánh tay có khoác dải lụa trắng mảnh như sương khói lung linh tung bay trong gió.

– Ngài thường mang theo bên mình Kinh Thư và Ngọc Tiêu.

Ống Ngọc Tiêu này có bảy lỗ gọi là Thất Khổng Ngọc Tiêu, tượng trưng cho bảy loại tình cảm của chúng sinh. Hễ chúng sinh nào nghe thấy âm thanh du dương vi diệu từ chiếc tiêu ấy phát ra, tự nhiên thất tình trong lòng được an tĩnh, không còn vướng mắc các nhân duyên phát sinh bởi thất tình nữa.

….………………………

* Các kiếp giáng sinh nhập trần của Đức Cửu Nương

– Theo kinh điển cơ bút Cao Đài Đại Đạo và tư liệu do Đức Thượng Sanh chia sẻ, Đức Cửu Nương từng có một kiếp chiết linh giáng trần là Ngọc Vạn Công Chúa.

Công Chúa Ngọc Vạn sinh vào đầu thế kỷ XVII, mất khoảng giữa thế kỷ XVII.

Công Chúa Ngọc Vạn tên đày đủ là Nguyễn Phúc Ngọc Vạn, Ngài được gả cho vua Chân Lạp Chey Chetta II. Đây là cuộc hôn nhân chính trị để xứ Chân Lạp và nhà Nguyễn lúc ấy trở thành đồng minh, có thêm lực lượng hùng mạnh hơn đối phó với các thế lực đối kháng khác.

Về sau, Công Chúa Ngọc Vạn trở thành Bà Chúa Xứ Chân Lạp, được nhân dân Đại Việt yêu mến và di dân về đất Chân Lạp ngày càng đông, sau này chính là vùng Gia Định, Đồng Nai, Bà Rịa.

….………….

– Vào năm 1895, Đức Cửu Nương lại chiết linh đầu thai vào nhà họ Cao ở Tân Hưng, Bạc Liêu, tên là Cao Thị Khiết.

Cô Khiết được gả cho ông Nguyễn Bá Tính năm 21 tuổi.

Do không vướng nợ hồng trần nên cô đăng tiên năm 1920, không có con cháu nối dõi.

Cửu Nương cũng đã dẫn độ cho dân Bạc Liêu tu tập theo nền Đại Đạo Tam Kỳ rất đông.

….………….

* Kinh điển, thi văn qua cơ bút Ngài để lại

Kinh Đệ Cửu Cửu – Đại Đạo Tam Kỳ

Vùng thoại khí Bát Hồn vận chuyển.

Tạo Hóa Thiên sanh biến vô cùng.

Hội Bàn Ðào Diêu Trì Cung,

Phục sinh đào hạnh, rượu hồng thưởng ban.

Cung Bắc Ðẩu xem căn quả số.

Học triều nghi vào ở Linh Tiêu.

Ngọc Hư Cung sắc lệnh kêu,

Thưởng phong, trừng trị, phân điều đọa thăng.

Cửu Nương Diêu Trì Cung

Nơi Kim Bồn vàn vàn nguơn chất,

Tạo hình hài các bậc nguyên nhân.

Cung Trí Giác trụ Tinh Thần,

Huờn Hư mầu nhiệm thoát trần đăng Tiên.

Diêu Trì Kim Mẫu

….……………………………

Cửu Thiên mở cửa rước người hiền

Nương chí dắt dìu khách hữu duyên.

Kính lập công to quy cựu vị

Tặng tiền phát khởi lập căn nguyên.

(2-9-1942)

….………………………..

Khiết sạch duyên trần vẹn giữ

Bạc Liêu ngôi cũ còn lời.

Chính chuyên buồn chẳng trọn đời,

Thương người noi Đạo, Phật Trời cũng thương.

….………………………..

Huyền diệu nan tri lý diệu huyền

Phong ba chưa dễ lắng đường duyên

Đảnh Tần còn vướng lằn mây bạc

Biển Bắc đang cơn thọ não phiền

Bởi chăng hoàn lương đời mới biết

Vì chưa tỉnh giấc Đạo quy Nguyên

Chớ đem chí cả mà phô diễn

Đợi buổi quyền giao định sửa giềng

….…………………………………..

– Ngày 26-5-Tân Mùi (dl 11-7-1931) cơ bút tại Minh Thiện Đàn

Cửu kiếp lo tu mới đặng thành

Nương thuyền Bát Nhã hưởng đài thanh.

Khuyên đời mau ráng bòn âm chất

Trễ bước đường Tiên chẳng trọn lành.

Ráng tới kỳ Long Hoa Đại Hội

Đạo trau dồi đạt đặng nguồn Tiên.

Tập mình thể Thánh noi Hiền

Nương theo cảnh tịnh mới yên thân phàm.

Khuyên đời đừng có tánh tham

Giữ mình theo Phật Già Lam mới mầu.

Khuyên đời đừng có tính sâu

Giữ cho trong sạch mới hầu Đạo ngoan.

Khuyên trong Đạo hữu lưỡng ban

Hết lòng cầu nguyện đài trang trở về.

Giữ cho nhơn đạo trọn bề

Gìn theo Trang Tử mới kề Thánh Tiên.

Người đời như thể khuôn thuyền

Biết đâu mà dựa cho yên buổi nầy.

Ráng lo giữ trọn Đạo Thầy

Không hề chìm nổi, không hề hấn chi.

Khuyên đời hãy ráng xét suy

Tìm về Tiên cảnh mà đi một đường.

Tránh nơi biển khổ đừng vương

Vương mang thì phải đoạn trường lắm ru.

Tu thì phải giữ công phu

Tu cho thoát chốn mây mù mới xinh.

Tu thì khá giữ Nguyên Tinh

Tu thì phải giữ, phải gìn hồn linh.

Tu sao cho đặng nên mình

Tu gìn Ngũ Huấn mới hình Thần Tiên.

Tu thì trước giữ Năm Giềng

Tu thì biết Chúa, biết Cha mới hiền.

Tu thì phu phụ trọn nguyền

Tu thì huynh đệ hòa hiền cùng nhau.

Tu cho rõ biết làm sao

Tu thì bằng hữu chớ xao lãng lòng.

Tu thì dìu bạn đồng song

Tu thì độ hết cả trong cảnh trần.

Tu thì phải ráng thi ân

Tu thì kinh sám phải cho ân cần.

Tu thì Thánh Giáo tầm lần

Tu thì phải giữ trọn phần tịnh thanh.

Tu thì gốc ở Lòng Lành

Tu thì phải ráng tập thành Nhân Sơ.

Tu cho danh chiếu Thiên Thơ

Tu cho để tiếng thế gian sờ sờ.

Tu thì chớ bận luồn tơ

Tu thì gỡ rối mối tơ cho lìa.

Tu thì chớ tưởng nọ kia

Tu thì phải giữ Tam Quy chớ lìa.

Tu trau Ngũ Giới làm bia

Tu thì Lục Dục phải lìa cho xa.

Tu cho đoạt tánh mới là

Tu thì lấy nước Ma Ha rửa lòng.

Tu thì vận chuyển Thanh Long

Tu thì Bạch Hổ đi trong Ngũ Hành.

Tu thì luyện nấu chưng phanh

Tu thì lấy thuốc cho thành nhơn đơn.

Tu thì khó nhọc chớ sờn

Tu cho đoạt đặng Khôn Nguyên mới là.

Tu thì sẽ gặp Long Hoa

Tu thì sau đặng nhà nhà âu ca.

Tu thì báu của quốc gia

Tu nên Tiên Vị ta bà bốn phương.

Tu cho hiệp đặng Chân Dương

Tu sao cho đặng như dường mới hay.

Tu sao nam nữ ngang vai

Tu sao cho đặng cả hai đều thành.

Tu thì khá bỏ lợi danh

Tu như rứa trọn thì thành Kim Tiên.

Đàn không tịnh, xin kiếu Quý hữu.

Thăng.

Sau đó, đến ngày 1-6-Tân Mùi (dl 20-7-1931) thì Ngài giáng tiếp cơ bút tại Minh Thiện Đàn cho tiếp bài trường thi chữ Tu.

Cửu Phẩm Tòa Vàng mới bước sang

Nương mây nay đến trước xem đàn.

Đôi lời cầu chúc mừng huynh tỷ

Khá dắt dìu nhau bước rập ràng.

Tu thì khuyên chớ đảo điên

Tu thì phải trả tiền khiên buổi này.

Tu cho chong chóng chớ chầy

Tu làm công đức lại gầy công phu.

Tu vầy mới gọi rằng tu

Tu vầy mới vẹt mây mù thoát qua.

Đôi lời nhắn bạn đồng thoa

Giữ theo ý Chị mới là gái ngoan.

Đêm đêm canh đã hầu tàn

Một phần đồng tử chẳng an tinh thần.

Nên xin từ giã quý nhân

Bài dài đã dứt ân cần hồi Cung.

Xin mừng chư Đạo huynh, Đạo tỷ. Thăng.

….…………………………………..

* Kinh điển, thi văn, cơ bút ca ngợi Ngài

– Đàn cơ 31-12-1925, Đấng A Ă Â giáng dạy các ông Cao Quỳnh Cư, Phạm Công Tắc, Cao Hoài Sang:

Sự nhỏ nhẹ của Thất Nương đó, con bằng mảy mún gì chưa?

Học hỏi sự nhỏ nhẹ ấy.

Sự cao kỳ của Lục Nương, con có đặng mảy mún gì chưa? Học sự cao kỳ ấy.

Sự nhân đức của Nhứt Nương, con có chút đỉnh gì chưa?

Phải học nhân đức của Nhứt Nương.

Tình nghĩa yêu mến của con có bằng Bát Nương không?

Phải học.

Sự kính nhường, ba con bằng Cửu Nương chăng?

Phải học.

Phải học tình nhân ái, trung tín, cứu giúp của Cửu Thiên Nương Nương (tức Phật Mẫu), ba con có đặng như Cửu Thiên Nương Nương chăng?

Phải học gương!

(Trích từ Nguyễn Thị Hiếu, Đạo sử xây bàn, Tây Ninh 1967, tr.35-36)

….……………………….

– Thơ vịnh của Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc:

Cô Cửu Nương ống tiêu giục thổi,

Giác ngộ hồn, cãi hối tu thân.

Nghề hay nghiệp giỏi trong trần,

Cũng nhờ Cửu vị tinh thần mở mang.

….………………………

– Thi sĩ Trần Tuấn Khải (1895-1983), đã có thơ ca ngợi hai vị Công Chúa Ngọc Vạn và Ngọc Khoa trong cảm vịnh về hai nàng công chúa:

Hồng Lạc ta đâu hiếm nữ tài

Nghìn xưa Trưng Triệu đã từng oai

Noi gương Khoa, Vạn, hai công chúa

Một sớm ra đi mở đất đai

Mối tình hữu nghị Việt Chiêm Miên

Thần xỉ mong sao được vững bền;

Chúa Sãi bao năm nhờ diệu kế,

Giữ miền Nam Á đặng bình yên.

Đời vốn quen dùng sức lửa binh,

Gây nhiều thảm họa khổ sinh linh.

Riêng đây ngọc lụa thay gươm giáo,

Trăm họ âu ca hưởng thái bình.

Cũng vì hạnh phúc của muôn nhân

Vì nước, vì nhà, xá quản thân.

Lá ngọc cành vàng coi nhẹ bổng,

Hiếu trung cho trọn đủ mười phân.

Những tiếc riêng cho phận nữ hài,

Đem thân giúp há nhường trai.

Vắng trang lịch sử, nào ai biết?

Người đã hy sinh vị giống nòi.

Tới nay kể đã mấy tinh sương

Mượn bút quan hoài để biểu dương:

Bà Rịa, Phan Rang ngàn vạn dặm,

Công người rạng rỡ chốn quê hương.

….…….

– Tân Việt Điểu cũng có thơ ca ngợi hai vị Công Chúa Ngọc Vạn, Ngọc Khoa:

Ngọc Vạn, Ngọc Khoa giữ một niềm

Vì ai, tô điểm nước non tiên?

Chị lo giữ vẹn tình Miên Việt,

Em nhớ làm tròn nghĩa Việt Chiêm

Bà Rịa, Biên Hòa thêm vạn dặm,

Phan Rang, Phan Rí mở hai miền

Non sông gấp mấy lần Ô, Lý

Nam tiến, công người chẳng dám quên.

(Trích từ Biên Hòa sử lược toàn thư, quyển 2)

Nguồn: Tam Giới Toàn Thư

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *