Home Long Thần

Long Thần

Long Thần

* Nguồn gốc

– Rồng là loài vật linh thiêng, tượng trưng cho quyền lực, sức mạnh, sự huy hoàng và bất tử, mang xu hướng tích cực nhiều hơn là tiêu cực, nên còn được gọi là Long Thần.

– Bên cạnh những loài Rồng hiền lành được nhân dân phương Đông tôn sùng, còn có những loài ác Long thuộc thế lực tà quái, ác trược, chuyên phá hoại cuộc sống của chúng sinh muôn loài.

– Đối với nhiều nơi ở phương Tây, người ta cho rằng Rồng là loài quái vật mang sức mạnh khổng lồ, có phần hung dữ, nhưng dữ hay không tùy góc độ nhìn vậy.

* Hình dạng, tính chất đặc trưng

– Rồng phương Đông có hình dạng giống rắn, có thêm bốn chân, cặp râu, bờm, cặp sừng, có vảy cứng xếp chồng lên nhau như vảy cá, có vây lưng là lông mao mọc trải dài đến đuôi, đôi khi còn có đôi cánh to lớn vững chãi.

– Rồng phương Tây có hình dáng gần giống loài khủng long nhưng thêm vào đó là sừng, cánh, vây lưng, cùng lớp da rắn chắc không loại vũ khí nào có thể sát thương được.

– Từ xa xưa, Rồng là những sinh vật hữu hình tồn tại nơi Hạ Giới. Về khía cạnh sinh học, theo hình dáng và tập tính sống thì đó có thể là những loài khủng long còn sót lại của thời kỳ tiền sử, hoặc những loài thằn lằn khổng lồ sống trong các hang động, vùng biển hay các thung lũng, cánh rừng mà con người ít đặt chân đến. Những loài khủng long, thằn lằn ấy lại có một sự đột biến gen khiến chúng có năng lực đặc biệt như mọi người đã tin tưởng.

Theo thời gian, do môi trường thiên nhiên ngày càng bị ô nhiễm, tài nguyên thiên nhiên bị tàn phá một cách nặng nề, loài Rồng ngày nay chỉ còn là những linh thể vô hình tồn tại nơi Trung Giới và Thượng Giới.

– Rồng cơ bản có 4 loại tượng trưng cho sức mạnh của thiên nhiên, là 4 yếu tố tạo nên vũ trụ bao gồm: Gió, Lửa, Đất và Nước. Từ 4 loại chính này mà dân gian tưởng tượng ra nhiều chủng loại khác nhau vô cùng dữ tợn.

+ Địa Long sống ở các hang động sâu thẳm trong núi hoặc thung lũng.
+ Thủy Long sống ở bờ biển, dưới biển, đầm lầy.
+ Hỏa Long sống ở các hang động núi lửa.
+ Phong Long sống ở các vách đá, đỉnh núi cao.

– Nhiệm vụ chính của Rồng trong Tam Giới là làm mưa gió, điều hòa thời tiết cho mưa thuận gió hòa. Chính vì điều này mà dân gian tin rằng có Tứ Hải Long Vương ở bốn biển lớn, mà Đông Hải Long Vương là vị đứng đầu.

– Rồng còn được phân chia thành nhiều loại tùy theo nhiệm vụ thiêng liêng mà Rồng thực hiện. Thường thì màu sắc này tương ứng với 4 nhóm hoạt động. Tất nhiên cũng có những ngoại lệ, đây là nói về đa phần.

+ Huỳnh Long đưa linh hồn của người chết về cõi Thiêng Liêng Hằng Sống, Cực Lạc Thế Giới.

+ Thanh Long hộ trì cho hành giả chống chọi với thế lực tà quái, ác trược.

+ Xích Long bảo vệ cho bí pháp, sự vận hành của Thiên Điều.

+ Hắc Long báo hiệu sự thay đổi, chuyển mình của xã hội như loạn lạc, thiên tai, dịch bệnh.

Rồng trong các nền văn hóa, tín ngưỡng

* Thiên Long Bát Bộ

Rồng là một trong Thiên Long Bát Bộ hộ trì Chánh Pháp theo tín ngưỡng Phật Giáo, bao gồm:
– Thiên
– Long
– Ca Lâu La
– Ma Hầu La Già
– Khẩn Na La
– Càn Thát Bà
– Dạ Xoa
– A Tu La.

* Tứ Linh

Rồng cũng là loài Linh Thú đứng đầu trong Tứ Linh, bảo vệ bốn phương của thế giới, tượng trưng cho bốn nguyên tố lớn hiệp thành vạn vật là Gió, Lửa, Đất và Nước. Tứ Linh bao gồm:

– Thanh Long ngự tại phương Đông, tính Thủy. Thanh Long tượng trưng cho sức mạnh, sự huy hoàng vững chắc của hoàng tộc.

– Chu Tước, Phụng Hoàng ngự tại phương Nam, tính Hỏa. Chu Tước tượng trưng cho sự bình an, khi Chu Tước xuất hiện cũng là điềm báo có Thánh Chúa ra đời.

– Bạch Hổ, Bạch Kỳ Lân ngự tại phương Tây, tính Phong. Bạch Hổ tượng trưng cho sự điều hòa, đổi mới của xã hội. Khi Bạch Hổ hay Bạch Kỳ Lân xuất hiện báo hiệu thời kỳ loạn lạc để thay đổi chế độ xã hội.

– Huyền Vũ ngự tại phương Bắc, tính Địa. Huyền Vũ tượng trưng cho sự phì nhiêu màu mỡ, tình thương của đất mẹ đã nuôi dưỡng chúng sinh.

* Loài Rồng ở Việt Nam

Theo tín ngưỡng dân gian Việt Nam thì sự xuất hiện của Rồng là tượng trưng cho điềm lành, sự an cư lạc nghiệp, sinh tồn và phát triền thịnh vượng. Vào thời vua Lý Công Uẩn ở Việt Nam, khi vua nhìn thấy Rồng bay lên trời báo hiệu điềm lành của nhà nước an bình, thịnh vượng thì Ngài mới đặt tên thủ đô là Thăng Long.

Nhân dân Việt Nam được xem là dòng dõi con Rồng cháu Tiên, từ truyền thuyết ngàn xưa khi Hải Vương Lạc Long Quân kết duyên cùng Tiên Nữ Âu Cơ, sinh ra giống nòi Âu Lạc. Nòi giống Việt Nam con Rồng cháu Tiên cần giữ gìn và phát huy những đức tính tốt đẹp của tổ tiên xa xưa, yêu thương, quan tâm muôn loài, chăm chỉ siêng năng, can trường dũng cảm. Tất cả các dân tộc trong nước đều là anh em với nhau, nên phải yêu thương, hòa đồng cùng nhau, giúp đỡ nhau ngày thêm thiện lành, tinh tấn.

Nguồn: Tam Giới Toàn Thư

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *