Home Trầm Nê Ngư

Trầm Nê Ngư

Trầm Nê Ngư

* Nguồn gốc

– Trầm là chìm đắm, nê là bùn lầy. Trầm Nê Ngư là loài linh thú tồn tại nơi cõi Trung Giới và Thượng Giới thuộc Ngư Bộ, thích tương tác với chúng sinh khắp Tam Giới, dễ khiến chúng sinh chìm đắm trong bùn lầy của thất tình lục dục, chìm đắm vào luân hồi khổ hải.
– Chúng sinh lẫn chư thần tiên trong khắp Tam Giới khi phát xuất những ý niệm động tình sẽ tạo nên năng lượng tiêu cực gọi là ám khí. Trong số các ám khí có một loại gọi là Trầm Nê Khí. Trầm Nê Khí này khiến thần thức, chơn hồn ấy vướng mắc vào tam độc tham sân si, làm trì trệ sự tinh tấn của chơn hồn ấy, từ đó trầm luân trong luân hồi khổ hải, khó lòng thanh tịnh được.
– Trầm Nê Ngư là linh thú được hình thành bởi sự tích tụ dày đặc của Trầm Nê Khí khắp Tam Giới. Là hiện thân thành hình tướng cụ thể của Trầm Nê Khí.
– Chúng sinh nào thích tụ tập theo bầy đàn, chẳng muốn lìa xa bầy đàn của mình, chẳng muốn lìa xa nơi mình sinh tồn, lại cảm thấy vui thú với việc lôi kéo kẻ khác chìm đắm trong trầm luân khổ hải, mà lại sợ việc chuyển sinh trong Tam Giới. Khi thọ mạng kết thúc, thần thức có những tâm tình, ý niệm như thế sẽ có xu hướng chuyển sinh thành Trầm Nê Ngư.

* Hình dạng và tính chất đặc trưng

– Trầm Nê Ngư là linh thú có thân ảnh màu xám, nâu đen, giống với loài lươn, chạch da trơn nơi hạ giới hữu hình.
– Chiều dài thân ảnh trung bình khoảng 40cm – 90cm. Một số cá thể có hình dạng kích thước đặc biệt to lớn vô cùng do có quá trình tích tụ trầm nê khí lâu dài ở khu vực mình sinh tồn, lại không có sự phân tách ám khí của bản thân để sản sinh các Trầm Nê Ngư khác. Cá thể ấy thường xưng Vương trong khu vực mình cư trú.
– Trầm Nê Ngư khác hẳn với các loài cá khác vì chúng chẳng sống ở dưới nước hay thủy vực. Chúng thích tụ tập thành bầy đàn nhỏ ở dưới các tán cây để tránh nắng, ở những cột trụ có mái che giống như cây dù, hay nơi góc tối ở dưới mái nhà, hoặc phòng tối yếm khí, ẩm thấp mà ánh sáng mặt trời không rọi tới và không có ánh lửa hay đèn điện chiếu sáng.
– Đặc biệt ở những nơi đền thờ, cơ sở thờ tự, chùa chiền, những tụ điểm ăn chơi thế tục… Những nơi mà trước khi bước vào người ta cần phải buông xả những tạp niệm, để tâm tình của mình được tịnh lặng. Hoặc ngay trong chánh điện, trước các bệ thờ, tôn tượng chư vị, nơi mà người ta phát ý niệm cầu nguyện về những sự tham, muốn, vọng cầu của mình và khát khao được chư vị giúp đỡ.
– Chúng luôn di chuyển hỗn độn không ngừng trong phạm vi không gian bầy đàn mình cư trú. Khi trời chập choạng tối, hoặc những nơi tối không có ánh đèn, hay những lúc trời có mây đen dày đặc, có mưa phùn rả rít thì chúng thường rời khỏi nơi cư trú, lượn lờ ra khu vực xung quanh để tìm kiếm trầm nê khí hấp thụ.
– Trong phạm vi khoảng chừng 100m, nếu có bất kì chúng sinh nào phát khởi ý niệm động tình, mê luyến thất tình lục dục thì tự nhiên các Trầm Nê Ngư ở đó sẽ được thu hút, chúng sẽ kéo đến quấn lấy thân tâm chúng sinh ấy. Lúc đó Trầm Nê Ngư hấp thụ trầm nê khí của chúng sinh đó, khiến chúng sinh ấy cảm thấy nhẹ nhàng sảng khoái. Lúc này sẽ có hai trường hợp xảy ra:
– Nếu Trầm Nê Ngư chỉ hấp thu trầm nê khí rồi nhanh chóng rời đi thì trầm nê khí của chúng sinh này không còn nữa, tự nhiên nhanh chóng hết ham muốn mê luyến thất tình lục dục. Chuyện này chỉ xảy đến khi chúng sinh ấy có sự quán chiếu rõ ràng lúc động tình, bức rức thân tâm, xôn xao với thất tình lục dục thì tìm cách buông xả, hoặc hướng tâm ý của mình chú ý đến một lý sự khác, không quan tâm đến ý niệm động tình, thì Trầm Nê Ngư hấp thụ trầm nê khí xong, không còn lý do để ở bên cạnh nữa, liền rời đi, trở lại nơi mình cư trú và chờ đợi đối tượng khác.
– Nếu Trầm Nê Ngư hấp thu trầm nê khí xong, lại nhìn thấy tâm thân chúng sinh ấy vẫn còn vương vấn các sợi tơ tạp niệm, mầm mống động tình sắp phát khởi, thì Trầm Nê Ngư sẽ thích thú ở bên cạnh để có thể tiếp tục hấp thu tiếp. Vì thế, chúng sinh chịu sự ảnh hưởng tương tác qua lại với trầm nê khí của Trầm Nê Ngư. Rất nhanh sau đó, chúng sinh ấy cảm thấy khát khao, mê luyến thất tình lục dục sâu dày hơn trước đó. Đây chính là quá trình khi con người có ham muốn, người ta giải quyết cái ham muốn ấy bằng cách xuôi theo ý niệm ham muốn đó, người ta sẽ được thỏa mãn nhất thời, rồi sau đó sự thỏa mãn này lại càng tăng cao thêm nữa, đòi hỏi cao hơn, nhiều hơn. Việc này có thể dễ dàng nhìn thấy qua sự tương tác trong mối quan hệ giao tế với đời của những người ít có tu tập Chánh Pháp.
– Khi một người khát khao kiếm tiền và có vị trí địa vị xã hội, người ta có xu hướng tăng dần khát khao ấy mỗi lúc một nhiều, đến khi chìm đắm hoàn toàn trong vòng lẩn quẩn của lợi danh, tài lộc khó lòng buông ra được. Hiển nhiên, chúng sinh như thế, khi thân mạng kết thúc sẽ lẩn quẩn trầm luân với các chấp niệm vướng mắc tài vật của mình.
– Khi một người có ý thích một ai đó, tự nhiên tất cả mọi lúc, mọi thứ quanh họ đều sẽ mang dáng dấp hình bóng người họ thích. Ban đầu là trạng thái cảm xúc e dè ngại ngùng, muốn giấu kín, không để đối phương biết. Khi đã làm mọi thứ để đối phương biết được tâm ý của họ, thì họ khát khao muốn được đối phuong đáp lại tâm tình của mình. Khi đã được đáp lại tâm tình theo hướng đồng thuận, người ta sẽ khát khao được tiếp cận gần hơn nũa, nhiều hơn nữa, lâu hơn nữa. Rồi thì những cái nhìn tình tứ, lời nói ngọt ngào yêu thương có cánh, sự quan tâm, một cái nắm tay, hay những hành động đụng chạm thân xác. Rồi họ khát khao sở hữu, độc chiếm. Từ việc quản lý thời gian, các mối quan hệ giao tế của đối phương, công việc và bao gồm luôn cả tính cách, lối sống, cách nghĩ về cuộc sống đều muốn người ta theo ý mình. Cứ như vậy, trầm luân lẩn quẩn trong đầm lầy tình trường, sa lầy trong vũng bùn thất tình lục dục lúc nào không hay biết.
– Thế nên người ta nói lòng tham, dục vọng bất thiện của chúng sinh là không có điểm dừng, chỉ có ngày một sâu dày hơn, rộng hơn nếu người ta mãi tìm cách để thỏa mãn nó mà không chế ngự, buông xả, hướng nó về những điều tích cực thiện lành.
– Như thế, sự tồn tại, tương tác của Trầm Nê Ngư ở Trung Giới, Hạ Giới thì chúng ta dễ dàng hiểu được. Vậy còn nơi Thượng Giới sao lại có linh thú này tồn tại?

* Trầm Nê Ngư nơi Thượng Giới

– Thượng Giới là nơi cư ngụ của chư Thánh Tiên, nhưng có những vị dù ở Cửu Phẩm Thiên Tiên, vào hàng trọn lành chân thật vẫn có khả năng động tình với thế sự tình trường, vướng mắc thất tình lục dục ở những ý niệm rất vi tế. Thế nên Trầm Nê Ngư vẫn tồn tại, cư ngụ ở các tán cây nơi Thượng Giới. Hễ có một vị nào khởi niệm động tình thì Trầm Nê Ngư liền bu đến để hấp thụ trầm nê khí, tương tác tâm tình ý niệm với vị ấy. Nếu một lằn ý niệm ấy không được buông xả hoàn toàn, tự nhiên vị cao trọng ấy vẫn bị các ý niệm động tình, trầm nê khí lôi kéo xuống Trung Giới và Hạ Giới, chuyển sinh vào trầm luân khổ hải vậy.
Dù là một người bình thường hay một hành giả đang tu tập theo Chánh Pháp cũng nên thường xuyên quán chiếu, giữ thân tâm mình từ những tơ niệm vi tế khi còn đang thở, đang tương tác với chúng sinh thế giới quan hữu tình. Hạn chế tối đa việc tương tác với Trầm Nê Ngư. Nếu một lúc nào đó thấy được thân tâm mình có vướng mắc, động tình thế tục với những ham muốn thất tình lục dục ngày càng tăng thì phải quyết tâm thay đổi, tu sửa, từ bỏ những suy nghĩ đã thành thói quen ăn sâu vào mình như vậy. Đến lúc thân mạng này kết thúc, người nào ít còn vướng mắc mê luyến thất tình lục dục, thì càng ít có khả năng tự mình lao vào trầm luân sinh tử.

Nguồn: Tam Giới Toàn Thư

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *